Đây là ý kiến được trao đổi tại Đối thoại chuyên đề: “Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 31/8.
Ảnh minh họa |
Đưa tín dụng tiêu dùng đến gần hơn với người dân
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thông tin, trong 5 năm vừa qua, thẻ nội địa ở Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Đến thời điểm hiện tại có hơn 100 triệu thẻ nội địa đã được phát hành, lưu hành và được người dân sử dụng để thanh toán, rút tiền ATM tại hơn 20.000 điểm. Trong 5 năm vừa qua tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch chi tiêu qua thẻ đạt 45% và giá trị giao dịch đạt 40%.
Thời gian qua, Napas đã hợp tác với các tổ chức phát hành thẻ, đặc biệt là ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đưa ra sản phẩm thẻ tín dụng nội địa dựa trên nền tảng thẻ chip. Với thời gian chưa tới một năm đã ghi nhận 600 nghìn thẻ được phát hành, ông Hùng nhận định đây là một con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và người dân phải đến trực tiếp tổ chức phát hành để ký và nhận.
“Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hướng tới để phục vụ đa số người dân, hướng đến tài chính toàn diện mà Chính phủ và NHNN đề ra. Ở đây chúng ta có thể thấy rõ rằng, so với sản phẩm thẻ tín dụng tương tự của quốc tế thì hạn mức tín dụng nội địa thường thấp hơn, để phổ cập khuyến khích việc chi tiêu không dùng tiền mặt và đặc biệt sử dụng thẻ nội địa.
Thứ hai, tạo ra phương thức, tạo ra kênh tiếp cận nguồn vốn, qua đó người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ cho các tiêu dùng cá nhân, đặc biệt đối với hộ kinh doanh cá thể, người nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận như một nguồn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của mình”, ông Hùng chia sẻ.
Bà Phan Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông tin, từ đầu năm 2022, Agribank chính thức triển khai mở rộng sản phẩm thẻ tín dụng Lộc Việt ra thị trường. Đây là sản phẩm có công nghệ thanh toán vượt trội, được tích hợp hai ứng dụng thẻ: Thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng trên cùng một con chip theo chuẩn VCCS, khách hàng có thể chủ động lựa chọn phương thức thanh toán.
Ngoài ra, trên thẻ này, khách hàng được cấp luôn một hạn mức có thể giao dịch trên internet, với hạn mức giao dịch tới 5 triệu, hình thức xác thực qua mật khẩu OTP, rất an toàn, bảo mật.
Ông Đỗ Vân Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng cho biết ngân hàng đã chính thức ra mắt thẻ tín dụng nội địa từ năm 2016, tuy nhiên từ năm 2021 ra tiêu chuẩn mới về VCCS, tốc độ tăng trưởng thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng qua từng năm.
Đặc biệt trong một năm trở lại đây, ngân hàng hướng vào đối tượng khách hàng công nhân ở các khu công nghiệp thì tốc độ tăng trưởng 7 tháng đầu năm hơn 300% so với kết quả của cả năm 2021.
Dư địa còn rất lớn
Không chỉ các ngân hàng tích cực vào cuộc, một số công ty tài chính cũng đã bắt đầu nhập vào đường đua. Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ Phần Tín Việt (VietCredit) thông tin: “Khi nghiên cứu để quyết định chọn sản phẩm thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm chủ lực của công ty, chúng tôi thấy một số liệu rất hấp dẫn là chỉ có 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế. Trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan hiện nay đang 10% Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%, Nhật Bản 68%.
Vì vậy, dư địa rất lớn để có thể phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa”.
Theo ông Tâm, thực tế các ngân hàng ở Việt Nam cũng có hơn 20 năm ra đời sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế và cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát hành thẻ quốc tế. Tuy nhiên, phân khúc các ngân hàng tập trung vào đại đa số vẫn là khách hàng có thu nhập cao, tập trung ở các khu đô thị lớn. Như vậy, số lượng khách hàng tiềm năng rất lớn đó là những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đang bị bỏ qua.
Ngoài ra, mạng lưới các điểm thanh toán trước đây rất hạn chế, tập trung nhiều ở khu vực đô thị, khu vực thị xã, các thành phố lớn. Tuy nhiên, hiện đã có một sự thay đổi rất lớn, kể từ khi thương mại điện tử ra đời cách đây khoảng từ 5-6 năm và phát triển rất nhanh trong khoảng thời gian gần đây. Hiện một người bán hàng ở Cà Mau vẫn có thể bán được cho người mua ở Bình Thuận bằng thẻ tín dụng nội địa để thông qua sàn thương mại điện tử.
Đại diện VietCredit cho biết, những lý do trên là căn cứ để có thể tự tin về tiềm năng phát triển của thẻ tín dụng nội địa. Riêng với công ty này, hiện đã phát hành được 40.000 thẻ tín dụng nội địa trên toàn quốc.
Ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách phòng phát triển Thanh toán, Vụ Thanh toán, NHNN thông tin, hiện nay hành lang pháp lý cho thẻ ngân hàng, trong đó bao gồm cả thẻ tín dụng nội địa đã được NHNN ban hành tương đối đầy đủ. Các ngân hàng cũng đã triển khai phát hành với một khối lượng tương đối lớn.
Do các ngân hàng mới bắt đầu phát hành thẻ tín dụng nội địa nên việc đưa loại thẻ này trở thành một giải pháp người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng thì trong thời gian tới, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, cũng như công ty chuyển mạch thẻ cần có các giải pháp hiệu quả.
Thứ nhất về tổ chức phát hành thẻ, phải có chương trình quảng bá, giới thiệu thẻ tín dụng nội địa đến đông đảo người dân.
Hiện tại, người dân ở khu vực thành thị cũng đã quen với thẻ tín dụng ngân hàng hay thẻ tín dụng quốc tế. Nhưng với thẻ tín dụng nội địa mới được phát hành nên người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu vùng xa miền núi hải đảo hay công nhân ở các khu công nghiệp, người dân yếu thế chưa có điều kiện tiếp cận thì cần phải giới thiệu cho họ hiểu các tính năng, tiện ích của thẻ tín dụng nội địa. Qua đó, họ dễ dàng tiếp cận, sử dụng cho các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, hoặc trong trường hợp khẩn cấp dễ dàng ra cây ATM rút tiền mặt để chi tiêu. Điều này góp phần giải quyết vấn đề tín dụng đen.
Đồng thời, khi phát hành thẻ tín dụng nội địa, các tổ chức phát hành thẻ cũng nên có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để người dân có thể tiếp cận được và sử dụng sản phẩm một cách có lợi nhất.
Thứ hai, thẻ tín dụng nội địa có chi phí xử lý thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế nên tổ chức phát hành thẻ hoặc tổ chức chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần có chính sách, chiến lược để mở rộng điểm chấp nhận thẻ.
Về phía các TCTD, cần cải tiến quy trình mở thẻ đơn giản, nhanh chóng và mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán. Đặc biệt, việc thanh toán trên môi trường online, thương mại điện tử.
“Đầu năm 2022, sau khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn, các tổ chức có thể phát hành thẻ qua online. Như vậy, điểm chấm điểm khách hàng cũng rất quan trọng, để làm sao đáp ứng được yêu cầu về vốn ngay và nhu cầu chi tiêu cấp thiết hàng ngày, phổ cập tài chính toàn diện, góp phần hạn chế tín dụng đen”, ông Giang thông tin thêm.
Quỳnh Trang