Các diễn giả tham gia thảo luận |
Mở đầu tham luận, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS dẫn báo cáo của “We are Social” rằng có tới 67,1% dân số trên toàn cầu sử dụng thiết bị di động để truy cập Internet và sử dụng trung bình khoảng 7h/ ngày. Với ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 làm thay đổi xu hướng thanh toán của người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến, và các hình thức thanh toán không tiếp xúc tạo điều kiện để phát triển thanh toán di động và QR.
Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% về số lượng và tăng tới 42,58% về giá trị so với cùng kỳ. Thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 51% về số lượng và 29% về giá trị. Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 76% về số lượng và 88,3% về giá trị. Qua kênh QR code tăng 64% về số lượng và 128% về giá trị.
"Điều này cho thấy lợi thế và tốc độ phát triển giao dịch trên kênh mobile là rất đáng lưu tâm", ông Long nhìn nhận.
Hiện tại, khách hàng có nhiều lựa chọn sử dụng mã QR để thanh toán tại cửa hàng. Tuy nhiên, theo ông Long, các ngân hàng, trung gian thanh toán đang triển khai thanh toán mã QR theo các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau và không có tính kết nối, liên thông dẫn đến việc đơn vị chấp nhận thanh toán phải đặt nhiều mã QR tại điểm bán và gây trải nghiệm không đồng nhất về thanh toán với khách hàng cũng như tốn kém nguồn lực về phát triển mạng lưới, khó khăn trong việc triển khai thanh toán xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS chia sẻ về triển khai ứng dụng VietQR trong thanh toán và chuyển tiền |
Từ tháng 6/2021, NAPAS cùng với các ngân hàng thành viên thống nhất sử dụng tiêu chuẩn thanh toán sử dụng mã QR, tuân thủ theo EMV.Co và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về tiêu chuẩn cơ sở về mã QR.
Đến nay, đã có 27 NHTV tham gia triển khai VIETQR áp dụng đối với các giao dịch Chuyển tiền, thanh toán nhỏ lẻ, thanh toán xuyên biên giới được tích hợp trên nền tảng Mobile banking app sẵn có của các ngân hàng.
Người sử dụng ứng dụng mobile banking của các ngân hàng dễ dàng quét mã VietQR để chuyển khoản giữa các cá nhân, thanh toán các khoản nhỏ/lẻ tại các điểm bán. Trong tương lai, các ngân hàng, trung gian thanh toán có thể chỉ cần triển khai tích hợp mã VietQR là có thể sử dụng để thanh toán/ chuyển tiền trong nội địa và thanh toán xuyên biên giới thay vì phải làm quen, sử dụng nhiều mã QR của các đơn vị như hiện tại.
Về xu hướng thời gian tới, Phó tổng giám đốc NAPAS cho rằng, VietQR là giải pháp đáp ứng được việc liên thông các mã QR trên thị trường giúp đồng nhất trải nghiệm của khách hàng, tiết kiệm nguồn lực của các bên trong triển khai thanh toán/ chuyển tiền bằng mã QR tại Việt Nam.
"Dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN, NAPAS đã hợp tác thành công triển khai thanh toán song phương bằng mã VietQR với Thái Lan và dự kiến tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia khác nhằm nâng cao lợi ích cao nhất cho người dân và doanh nghiệp Việt", ông Long thông tin.
NAPAS sẽ tiếp tục mở rộng các ngân hàng, trung gian thanh toán tham gia triển khai ứng dụng VietQR trong thanh toán và chuyển tiền nhằm tạo nên một mạng lưới thanh toán liên thông, xuyên suốt và đạt được mục tiêu chung của thị trường Việt Nam về thanh toán QR.
Trong khuôn khổ hội thảo “Ngày không tiền mặt 2021” NAPAS cùng 13 ngân hàng, công ty tài chính ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa. Các ngân hàng và công ty tài chính tham gia ký kết gồm có Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Techcombank, HDBank, Sacombank, ACB, Nam A Bank, OCB, Viet Capital Bank, Viet Bank và công ty tài chính VietCredit. Theo đó, NAPAS và các Ngân hàng, Công ty tài chính thống nhất thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa hướng đến thực hiện các mục tiêu trong Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Các hoạt động cụ thể được các ngân hàng, công ty tài chính triển khai gồm xây dựng các chương trình ưu đãi phát hành thẻ tín dụng nội địa; chính sách phê duyệt và cấp tín dụng linh hoạt, thuận tiện nhằm mở rộng đối tượng tiếp cận sản phẩm qua đó gia tăng số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành; mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ cập kiến thức, kỹ năng nhằm tạo thói quen sử dụng thẻ thanh toán thường xuyên. Về phía NAPAS, Công ty sẽ xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ ngân hàng, công ty tài chính cũng như đảm bảo nguồn lực về hệ thống kỹ thuật, nhân sự triển khai các hoạt động thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa. |
Thanh Trúc