Phớt lờ cơ hội giảm giá

16:16 | 27/04/2012

Giá thức ăn chăn nuôi (TACN) và nguyên liệu nhập khẩu có xu hướng giảm rõ nét, nhưng giá bán ra trên thị trường trong nước lại chưa có những động thái điều chỉnh đủ mức. Dường như các DN ngành này vẫn đang làm ngơ trước cơ hội vàng hiện tại dành cho người chăn nuôi.

Cùng với giá nhập khẩu giảm, sức mua trên thị trường nội địa từ đầu năm đến nay cũng không lớn, nguồn nguyên liệu trong nước cũng phong phú hơn, giúp các DN sản xuất TACN có nhiều lựa chọn và không quá phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thấy có một đợt giảm giá toàn diện và thật sự rõ ràng nào trên thị trường TACN trong nước. Có chăng chỉ là một sự lẻ tẻ mang tính cục bộ tại một vài địa phương và mức giảm cũng không đáng kể.

Ảnh: MH
Đã đến lúc DN TACN phải chia bớt khó khăn với người chăn nuôi.
(Ảnh: MH)

Trường hợp giảm hy hữu được ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Các đại lý kinh doanh TACN tại đây cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, các loại TACN giảm từ 250-400 đồng/kg (tùy loại). Theo lời các đại lý này, kể từ đầu năm, giá các loại gia súc, gia cầm, thủy cầm xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên sản lượng bán ra giảm đáng kể, vì vậy nhà sản xuất mới phải hạ giá bán để tiêu thụ được sản phẩm.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, giá TACN và nguyên liệu nhập khẩu trong tháng 3/2012 tiếp tục giảm 1,7% so với tháng 2/2012 và giảm tới 7,3% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung cả quý I năm nay giá giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 3, giá khô dầu đậu tương (trên 45% pro- tein) nhập từ Ấn Độ chỉ còn dao động ở mức 380-425 USD/tấn- CIF, từ Hoa Kỳ ở mức 436 USD/tấn-CIF. Giá bột cá (từ 60%-70% protein) nhập từ Peru dao động trong khoảng 1.260-1.350 USD/tấn-CIF. Giá bã ngô từ Hoa Kỳ dao động 284-335 USD/tấn-CIF, từ Trung Quốc ở mức 245 USD/tấn-CIF.

Như vậy, dù đang có nhiều cơ hội tốt để giảm giá TACN, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá khá ổn định và lãi suất ngân hàng cũng đang dần giảm xuống, song chưa thấy các DN sản xuất kinh doanh TACN đưa ra kế hoạch giảm giá và thực hiện nó một cách cụ thể.

Nhiều ý kiến cho rằng, các DN TACN, trong đó dẫn đầu là các DN lớn, đã cố tình neo giá TACN để duy trì mức lợi nhuận cao trong khi lẽ ra phải giảm giá cho người dân khi giá đầu vào nhiều loại đã giảm. Đã đến lúc các DN TACN phải chia bớt khó khăn với người chăn nuôi. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải có các kiểm soát chặt chẽ, chế tài đủ mạnh để quản lý giá mặt hàng này, tránh tình trạng khi giá thế giới chỉ mới rục rịch tăng thì trong nước đã tăng ồ ạt. Nhất là khi giá mặt hàng này thế giới giảm, thì trong nước lại không chịu giảm tương xứng. Ngược lại các DN lại viện vào những lý do "vô lý" để nhằm giữ giá có lợi cho mình.

Nguyên nhân "om giá" bắt nguồn từ sự mất cân bằng trong cơ cấu DN kinh doanh TACN, với sự áp đảo của các DN ngoại, khiến cho sự quản lý, đặc biệt về giá, của các cơ quan chức năng Nhà nước trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, các chính sách ưu đãi về thuế, nhất là thuế nhập khẩu TACN, chỉ làm lợi cho các DN TACN với các mức lợi nhuận lớn. Trong khi đó, người chăn nuôi vẫn chịu thiệt thòi. Bởi vậy, ngay từ năm 2012 này, Nhà nước nên tạo điều kiện để các DN sản xuất TACN nội chuyển mình, tăng cường sự hiện diện trên thị trường trong nước với các sản phẩm TACN mang thương hiệu Việt.

Minh Hiếu

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều