PMI tháng 8/2019 xuống mức thấp nhất 6 tháng | |
PMI tháng 7/2019 tăng nhẹ lên 52,6 điểm | |
Tháng 6/2019, PMI trở lại mức cao từ đầu năm, đạt 52,5 điểm | |
PMI tháng 5/2019: Giảm trở lại mức 52 điểm |
Sản lượng giảm, kết thúc thời kỳ tăng trưởng kéo dài 21 tháng
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam của Nikkei đã giảm về 50,5 điểm trong tháng 9, cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ cải thiện nhẹ. Mặc dù ghi nhận tới 45 tháng tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, nhưng kết quả PIM hiện đã ở mức cải thiện là yếu nhất kể từ tháng 2/2016.
Từ mức 51,4 điểm của tháng 8 về chỉ còn 50,5 điểm, tháng 9 cũng ghi nhận lần giảm điểm PMI thứ hai liên tiếp, mặc dù số điểm mất đi trong tháng 9 thấp hơn so với tháng trước đó (0,9 điểm so với 1,2 điểm mất đi).
Thông tin từ Nikkei cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại vào cuối quý III, với mức tăng khiêm tốn gần đây là yếu nhất kể từ tháng 8/2016. Một số người trả lời khảo sát cho biết nhu cầu khách hàng đã yếu đi. Đây cũng là tình trạng trên các thị trường quốc tế khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm hơn.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn dẫn đến sản lượng giảm nhẹ, và đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2017. Số lượng nhân công cũng đã giảm vào cuối quý III, từ đó kết thúc thời kỳ tăng việc làm kéo dài ba tháng.
Tình trạng nhân viên nghỉ việc được nhiều người cho là đã góp phần làm giảm số lượng việc làm. Năng lực hoạt động giảm đồng nghĩa với việc các công ty đôi khi không thể hoàn thành các hợp đồng trong tháng, từ đó dẫn đến tăng nhẹ lượng công việc tồn đọng.
Yêu cầu về sản lượng thấp hơn không khuyến khích mua hàng hóa đầu vào, dẫn đến tốc độ tăng hoạt động mua hàng đã chậm lại gần thành mức đình trệ. Tồn kho của cả hàng mua và hàng thành phẩm đều tăng nhẹ. Một số nhà cung cấp giảm giá nhằm giành những hợp đồng mới.
Giá cả đầu vào tăng nhẹ và với tốc độ yếu hơn nhiều so với trung bình của lịch sử chỉ số. Việc thiếu áp lực từ chi phí đầu vào đã cho phép các nhà sản xuất giảm giá bán cho khách hàng để kích thích nhu cầu. Giá cả đầu ra giảm tháng thứ mười liên tiếp. Mặc dù lần giảm gần đây chỉ là nhẹ, đây vẫn là mức giảm đáng kể nhất kể từ tháng 6.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài tháng thứ hai liên tiếp, và các thành viên nhóm khảo sát đôi khi cho rằng việc chậm trễ giao hàng là do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu ở công ty bán hàng.
Mức độ lạc quan kinh doanh đã giảm lần thứ hai liên tiếp trong tháng 9. Trong khi các công ty nói chung vẫn lạc quan về khả năng tăng sản lượng trong năm tới, mức độ tin tưởng là thấp nhất kể từ tháng 8/2018 và là mức yếu nhất kể từ khi dữ liệu về kỳ vọng tương lai được bổ sung vào khảo sát từ tháng 4/2012.
Theo những người trả lời khảo sát, những lo lắng về nhu cầu thị trường là nguyên nhân đứng sau việc giảm mức độ lạc quan.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: Những dấu hiệu ban đầu của tình trạng giảm tốc mà chúng tôi đã lưu ý tháng trước thì nay đã được củng cố thêm trong tháng 9, khi nhu cầu tiếp tục yếu đi.
Các nhà sản xuất phản ứng với số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm thông qua việc chấm dứt thời kỳ tăng sản lượng mới đây và thể hiện sự ngần ngại trong việc thuê mướn thêm nhân công và mua hàng hóa đầu vào. Những lo ngại về tình trạng nhu cầu cũng được thể hiện trong dữ liệu về mức độ lạc quan thấp.
Tuy nhiên, theo Andrew Harker: “Kết quả chỉ số PMI mới nhất cho thấy trong khi lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã là một trong những lĩnh vực có kết quả hoạt động tốt nhất thế giới những tháng gần đây, tình trạng giảm tốc trong thương mại toàn cầu cùng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực lên các công ty khi chúng ta bước vào quý cuối năm 2019”.
PMI ASEAN tăng điểm nhưng vẫn ở mức tiêu cực
Trong khi đó, các điều kiện hoạt động của các công ty sản xuất ASEAN suy giảm tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 9. Chỉ số PMI toàn phần tăng từ 48,9 điểm trong tháng 8 lên 49,1 điểm trong tháng 9, nhưng vẫn báo hiệu sức khỏe lĩnh vực sản xuất suy giảm nhẹ.
Mặc dù tốc độ suy giảm chậm lại so với tháng 8, kết quả PMI toàn phần mới nhất là thấp nhất kể từ tháng 11/2015. Yếu tố tác động lên chỉ số là sản lượng đã giảm nhanh nhất kể từ tháng 7/2017, và số lượng đơn đặt hàng mới liên tục giảm.
Myanmar báo cáo kết quả hoạt động mạnh nhất khu vực như đã được ghi nhận trong suốt thời kỳ kể từ tháng 2. Số liệu toàn phần (52 điểm) là không thay đổi so với tháng 8, cho thấy các điều kiện hoạt động cải thiện nhẹ nhờ sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh.
Chỉ số toàn phần của Philippines (51,8) báo hiệu sức khỏe lĩnh vực sản xuất đã cải thiện nhẹ. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại thành mức chậm nhất trong ba tháng.
Thái lan cũng ghi nhận sự cải thiện các điều kiện hoạt động trong tháng 9, sau khi không thay đổi trong kỳ khảo sát trước. Chỉ số toàn phần (50,6) báo hiệu tăng trưởng nhẹ. Tình hình này cũng được ghi nhận tương tự như của Việt Nam.
Trong khi đó, các điều kiện hoạt động ở Indonesia tiếp tục suy giảm, với chỉ số PMI toàn phần (49,1) trong tháng 9 là thấp thứ nhì kể từ tháng 7/2017 (chỉ sau tháng 8).
Malaysia cũng có các điều kiện hoạt động suy giảm với tốc độ vừa phải, cho dù chỉ số toàn phần (47,9) đạt mức cao của bốn tháng.
Trong khi đó, Singapore báo cáo sức khỏe lĩnh vực sản xuất trong tháng 9 suy giảm mạnh. Chỉ số toàn phần (43,1) là nằm trong số thấp nhất của lịch sử chỉ số (kể từ tháng 8/2012).
Nhìn chung, lĩnh vực sản xuất ASEAN tiếp tục khó khăn trong tháng 9 khi dữ liệu mới nhất báo hiệu suy thoái tháng thứ tư liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng giảm với tốc độ nhanh thứ nhì trong gần một năm. Nhu cầu từ nước ngoài giảm lần thứ ba trong bốn tháng qua, mặc dù mức giảm chỉ là nhẹ. Từ đó, sản lượng tiếp tục giảm, với mức giảm gia tăng thành mức nhanh nhất kể từ tháng 7/2017.
M.Hồng