"Tiếng xấu" và năng lực cạnh tranh

15:12 | 16/03/2012

Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco) nợ tiền mua cá tra hàng trăm tỷ đồng nhưng chủ doanh nghiệp tổ chức đám cưới rất tốn kém cho con, hay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thừa tiền mặt vẫn "chiếm dụng" thuế của Nhà nước. Đằng sau những câu chuyện đang được dư luận quan tâm gần đây, hình ảnh các "đại gia" ngày nay cho thấy một thực tế xuống dốc của chữ tâm và chữ tín trong kinh doanh. Nhưng sâu xa hơn, đây còn là câu chuyện cạnh tranh quốc gia mà đội ngũ doanh nhân cũng là một yếu tố quan trọng cấu thành.

Dường như, khi chuyện "chơi ngông" của nhiều doanh nhân như mua máy bay, sắm xe siêu sang… ngày càng phổ biến hơn, không ít vụ xem nhẹ uy tín, thậm chí coi thường khách hàng, đối tác cũng bộc lộ. "Hiện vẫn đang tồn tại không ít doanh nghiệp luôn vi phạm chữ tín trong kinh doanh", GS.TS. Đỗ Đức Bình (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) khẳng định như vậy tại một hội thảo được tổ chức gần đây. Các ví dụ được ông Bình dẫn ra cho thấy những bằng chứng không thể chối cãi. Chẳng hạn như chuyện gạo có dư lượng chất kháng sinh cao; trong tôm có tăm tre, đinh, nước quá nhiều do bị tiêm nước…

Những vụ việc kể trên không còn hiếm đã khiến hình ảnh doanh nhân Việt Nam đang ngày càng "mất điểm" trong mắt bạn hàng nước ngoài.

Và sau những dẫn chứng kể trên, doanh nhân Việt Nam đang bộc lộ một khoảng trống cả về tầm kiến thức lẫn phẩm chất kinh doanh chuyên nghiệp. "Đa số các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là giám đốc doanh nghiệp tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, luật pháp và kỹ năng quản trị kinh doanh", chuyên gia Bùi Thanh (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay.

Một kết quả điều tra từ hơn 63 nghìn doanh nghiệp trên cả nước được vị này nêu làm dẫn chứng cho thấy những vấn đề đáng quan ngại. Có tới 43,3% lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông, số chủ doanh nghiệp có trình độ thạc sĩ trở lên chỉ chiếm 2,99%. "Điều đó được thể hiện rõ trong việc nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định về thuế, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp…", chuyên gia Bùi Thanh cho biết thêm.

Nhưng nguy hiểm hơn, giấu dốt và không chịu học hỏi cũng là một "bệnh" của doanh nhân thời nay. Một nghiên cứu từ 437 cán bộ quản lý và 335 doanh nghiệp được PGS. TS. Lê Quân - tịch HĐQT Tổ chức tư vấn giáo dục Việt Nam tiến hành cho thấy, trong năm 2010, ngân sách đào tạo của doanh nghiệp chỉ chiếm 7,13% quỹ lương, bình quân đầu người là 389 nghìn đồng/năm. Tỷ lệ này của năm 2009 thậm chí còn ít hơn, chỉ là 6,89%, tương đương mỗi lao động chỉ nhận được chi phí đào tạo 313 nghìn đồng/năm, hay dưới 1 nghìn đồng/ngày. "Các doanh nghiệp không xem đào tạo là nhiệm vụ quan trọng.Họ xem đó là một hoạt động chi tiêu mất đi chứ không xem đó là đầu tư", GS. John H. Behzad, chuyên gia tư vấn chiến lược đến từ Mỹ bình luận thêm.

Giới hạn về hiểu biết và kiến thức, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng không hề xem trọng định hướng phát triển. Hoạt động của các doanh nghiệp này hầu hết mang tính "gặp đâu làm đó", bắt chước nhau dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu kém, hiệu quả hoạt động không cao. Theo TS. Lê Kim Sa (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), cho biết, trong thời kỳ 1996 - 2000, giá trị tổng sản lượng công nghiệp, xây dựng tăng 1,31% thì tạo ra được 1% giá trị gia tăng, song đến năm 2008, tương quan trên lên đến 2,35% cho 1% giá trị gia tăng tạo ra, tức là hiệu quả từ năm 1996 đến 2008 đã giảm khoảng 45%. "Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam quá kém", Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói. "Nếu không thay đổi thì thách thức trong giai đoạn tới sẽ còn dữ dội hơn nhiều".

Vũ Anh Quân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều