Tiền gửi được bảo hiểm
Điều 18, Luật BHTG quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này”. Quy định về tiền gửi được bảo hiểm được đánh giá là đảm bảo phù hợp và bám sát với chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức tham gia BHTG nộp phí BHTG và tổ chức BHTG thu phí, chi trả cho người gửi tiền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền một cách hiệu quả, minh bạch và thống nhất.
Tiền gửi không được bảo hiểm
Điều 19, Luật BHTG và Khoản 2, Điều 4, Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định một số loại tiền gửi sau đây không được bảo hiểm:
- Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó. - Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó. - Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành.
Ngoài ra, tiền gửi không phải bằng Đồng Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi không phải của cá nhân thì không được bảo hiểm.
Đối tượng được BHTG
Luật BHTG quy định tập trung đối tượng bảo hiểm là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG, hướng tới mục tiêu bảo vệ số đông những người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các TCTD. Quy định hiện hành đã bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng này, tạo niềm tin cho người gửi tiền khi gửi tiền tại các TCTD. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các TCTD thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán, không nhằm mục đích gửi tiết kiệm. Ngoài ra, các tổ chức này cũng có bộ máy quản lý tài chính chuyên trách để thu thập thông tin chặt chẽ liên quan đến các TCTD, nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về TCTD mà doanh nghiệp gửi tiền.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm Luật BHTG không quy định một hạn mức cụ thể mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ (khoản 2, Điều 24), để đảm bảo điều chỉnh linh hoạt hạn mức phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, mức sống của người dân trong từng thời kỳ. Hiện tại, hạn mức trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng, là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Vai trò của BHTGVN
Tại Việt Nam, có duy nhất một tổ chức BHTG với tên gọi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách công về BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
BHTG được sử dụng làm công cụ tài chính nhằm mục đích thực hiện chính sách công, không phải thực hiện mục đích kinh doanh vì lợi nhuận. Vì vậy, việc quy định chỉ có một tổ chức BHTG được thực hiện nghiệp vụ BHTG theo cơ chế bắt buộc tại Việt Nam như hiện nay là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 99 triệu lượt người gửi tiền tại gần 1.300 tổ chức tham gia BHTG thông qua triển khai các nghiệp vụ.
BHTG có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Đối với người gửi tiền, hoạt động của BHTGVN góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đối với hệ thống các TCTD, BHTGVN tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, an toàn và huy động tiền gửi cho đầu tư phát triển, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.
HG