Ra mắt Cổng PayGov: Thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam

09:18 | 29/07/2020

Với sự kiện chính thức đưa vào vận hành “Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia - PayGov” mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) kỳ vọng vừa hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 vừa giúp người dân thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công.

Bởi theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 đề ra chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2019 - 2020 - tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4.

ra mat cong paygov thuc day phat trien kinh te so tai viet nam
Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov chính thức được vận hành

Đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội, ở một khía cạnh khác, chính là một bệ phóng mới để các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cả nước tính đến quý II/2020 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 từ 7,3% lên 14,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp xa so với mục tiêu Nghị quyết 17 đặt ra.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc ngay trong năm 2020. Đây được coi là một trong các giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ nút thắt về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn chưa cao.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chia sẻ, Cổng PayGov được phát triển không làm chức năng thanh toán trực tuyến, mà chỉ thực hiện việc tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán. Lễ ra mắt Cổng PayGov là bước đầu của quá trình thúc đẩy thanh toán điện tử cho các dịch vụ công.

Việc đưa vào vận hành Cổng PayGov góp phần hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” như đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Việc đưa vào sử dụng hệ thống PayGov mới chỉ là sự khởi đầu của một quá trình thúc đẩy thanh toán điện tử cho các dịch vụ công, để hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020, sớm mang lại nhiều tiện lợi, nhiều tính năng, nâng cao chất lượng dịch vụ công hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dùng làm trung tâm. Đặc biệt, Cổng PayGov chính là tiền đề thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

Hệ thống được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề về kết nối. Theo đó, cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành địa phương chỉ cần kết nối với Cổng PayGov với một giao diện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả các trung gian thanh toán. Đồng thời, các trung gian thanh toán chỉ cần kết nối đến Cổng PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Cổng PayGov còn cung cấp công cụ hỗ trợ giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán giữa các bên liên quan; đặc biệt là hỗ trợ đối soát, quyết toán một cách tự động với kho bạc. Đồng thời, Cổng PayGov còn có thể mở rộng đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác như: y tế, giáo dục, điện, nước…

Ngay tại thời điểm ra mắt, Cổng PayGov đã triển khai hợp tác và kết nối với 9 trung gian thanh toán, gồm: Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS); Tổng công ty Dịch vụ số Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (VIETTEL DIGITAL); Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY); Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (M_SERVICE JSC); Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VIETUNION); Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện – Công ty TNHH 1TV (VTC); Công ty cổ phần Ngân lượng (NGANLUONG JSC); Công ty cổ phần Dịch vụ nền di động Việt Nam (VIMASS JSC); Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT TELECOM).

Chỉ riêng NAPAS hiện đang có hơn 100 triệu khách hàng sử dụng thẻ nội địa và tài khoản thanh toán của tất cả các ngân hàng Việt Nam, có thể dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên phạm vi 63 tỉnh thành trên toàn quốc một cách an toàn, nhanh chóng, hỗ trợ đa thiết bị, đa kênh thanh toán với các tính năng nổi trội. Cổng PayGov sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi kết nối, hướng đến sẽ kết nối với tất cả các trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Đến nay Cổng PayGov đã hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cổng dịch vụ công của Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và sẵn sàng để đưa vào sử dụng chính thức; đang thực hiện kết nối thử nghiệm với cổng dịch vụ công các tỉnh như: Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Thừa Thiên - Huế, Hà Giang, Hà Nội…

Để hệ thống PayGov sớm mang đến nhiều tiện lợi, nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dùng làm trung tâm”, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẩn trương thực hiện kết nối cổng dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ/địa phương với hệ thống PayGov để bảo đảm đa dạng hóa kênh thanh toán, bảo đảm sự tiện lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Hữu An

Tin đọc nhiều