Rào cản hội nhập “mọc” từ bên trong

09:04 | 18/10/2019

Các chính sách, quy định pháp luật sẽ là động lực hay lực cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, tùy thuộc vào tư duy của người soạn chính sách cũng như quá trình soạn văn bản pháp luật về kinh doanh...

Tận dụng CPTPP, EVFTA để đưa nông sản Việt ra biển lớn
Lỡ nhịp hội nhập vì thiếu hành lang pháp lý
rao can hoi nhap moc tu ben trong
DN xuất khẩu vẫn phải đáp ứng nhiều loại giấy phép, khiến chi phí đội lên nhiều

Luật chồng chéo gây hệ quả xấu

Mặc dù Chính phủ đã có những hành động quyết liệt nhằm cắt giảm điều kiện kinh doanh, song theo luật sư Đào Hồng Dịu, đại diện của Hiệp hội Xuất khẩu thực phẩm, các doanh nghiệp trong ngành này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng dài cổ chờ giấy phép. Vấn đề được bà Dịu chia sẻ tại Hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 17/10 cho thấy, rào cản lớn nhất với hội nhập lại chính là những vấn đề nội tại của nền kinh tế.

Chẳng hạn hiện các doanh nghiệp xuất khẩu các loại thực phẩm như sữa, nước tương hay tương ớt… cần có 2 loại giấy phép là giấy chứng nhận lưu hành và giấy chứng nhận y tế, do 2 cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương và Bộ Y tế phụ trách. Trong đó, loại giấy phép tốn nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp nhất chính là giấy chứng nhận y tế do Bộ Y tế cấp, theo quy định cụ thể tại Thông tư số 52 năm 2015 của Bộ Y tế.

Cụ thể, để đưa một mặt hàng ra nước ngoài, doanh nghiệp phải mang sản phẩm đi kiểm tra tại phòng thí nghiệm để có giấy chứng nhận, thời gian chờ kết quả là 2 tuần và chi phí kiểm tra khoảng 3 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp cần gấp thì phải trả chi phí cao hơn để có giấy chứng nhận sớm hơn. Sau đó, doanh nghiệp lại tiếp tục nộp hồ sơ xin chứng nhận y tế.

Theo quy định, thời gian cho quy trình này không quá 5 ngày, nhưng thực tế thường là 2-3 tuần; và chi phí 1 triệu đồng cho mỗi lô hàng. Đó là chưa kể với mỗi lô hàng tại từng thời điểm khác nhau, doanh nghiệp đều phải mang đi kiểm tra và xin giấy chứng nhận, dù tính chất, đặc điểm… của sản phẩm là không thay đổi.

“Như vậy không chỉ tăng gánh nặng chi phí, mà cả lộ trình, thời gian xin giấy chứng nhận đều khiến chúng tôi thấy rất khó khăn để có thể đáp ứng được tiến độ của đối tác”, bà Dịu nhấn mạnh.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, giấy chứng nhận lưu hành do Bộ Công thương cấp lại có quy trình nhanh gọn chỉ trong 1 ngày, đồng thời doanh nghiệp được miễn phí cấp. Thực tế đó cho thấy quá trình cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn diễn ra trong tình trạng “trên nóng dưới lạnh” khiến cải cách không đồng tốc.

Theo VCCI, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này mở ra cơ hội về phát triển kinh tế cho đất nước nhưng cũng đặt nhiều thách thức, đòi hỏi đối với hệ thống chính sách và pháp luật. Các chính sách, quy định pháp luật sẽ là động lực hay lực cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, tùy thuộc vào tư duy của người soạn chính sách cũng như quá trình soạn văn bản pháp luật về kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, thực tế là có rất nhiều xung đột pháp luật. Đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư về xây dựng, bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp. Chẳng hạn, có tới 20 ví dụ điển hình về xung đột giữa các bộ luật, thông tư.

Ví dụ Điều 171.2 Luật Nhà ở yêu cầu thêm tài liệu ngoài các tài liệu quy định trong hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, trong khi Luật Đầu tư tại Điều 33 đã quy định các tài liệu này và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật… Đáng nói là các doanh nghiệp còn bị “ám ảnh” bởi vấn đề hồi tố, khi các quy định áp dụng khác nhau, khiến bất thình lình, một ngày doanh nghiệp có thể bị cơ quan nhà nước yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn.

Ngoài ra, một vấn đề khác đối với hệ thống pháp luật là chưa có cách ứng xử hợp lý với những mô hình kinh doanh mới, dẫn tới 2 xu hướng tiêu cực là dùng mô hình cũ áp dụng vào, hai là mặc kệ.

Phải sửa tận gốc

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng lo ngại, Việt Nam khó có thể cạnh tranh tốt trên sân chơi hội nhập, khó tận dụng cơ hội, trước hết chính do những rào cản đến từ bên trong.

“Pháp luật Việt Nam đang thiếu ổn định nên ta có ở mức độ nào đó quyền tự do kinh doanh nhưng an toàn trong hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện”, ông Cung nói.

Sự thiếu ổn định của hệ thống pháp luật thể hiện ở việc Luật chỉ có 1 nhưng Nghị định có đến 10, thông tư có đến hàng trăm. Đó là chưa kể đến những văn bản điều hành xin cho hàng ngày. Điều đó cho thấy luật pháp của chúng ta thực hiện bằng các biện pháp hành chính và thực thi theo chiều dọc chứ không theo chiều ngang bởi thị trường hóa.

Do đó dù luật không đổi nhưng đến nghị định thì có thể đổi, hay nghị định không đổi nhưng thông tư có thể đổi. Những vấn đề này khi kết hợp với hệ thống thanh tra, kiểm tra thì có thể dẫn đến tình trạng kiểm tra thế nào cũng sai, gây ra việc bất ổn, những rủi ro trong kinh doanh.

“Nhưng, đây lại là vấn đề mà tôi đã nói cách đây hơn 20 năm rồi, chỉ khác là bây giờ nó gắn thêm cụm từ “hội nhập”, ông Cung tiếc nuối.

Theo ông, để doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội mà hội nhập mang lại, cần một cách tiếp cận đơn giản hơn, dễ dàng hơn trong mọi vấn đề. Đối với việc rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật, tất cả trọng tâm sửa đổi chỉ nên tập trung cho việc trả lời 2 câu hỏi: Vấn đề này có cần phải giải quyết không? Nếu cần thì giải quyết như thế nào? Câu trả lời nếu là có thì phải giải quyết một cách triệt để, gỡ rào cho doanh nghiệp phát triển.

“Chúng ta đang có nhiều chồng chéo và mâu thuẫn nhau trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là trong các luật chuyên ngành. Nếu sửa, chúng ta phải sửa tận gốc mọi vấn đề, phải cắt bỏ toàn bộ những rào cản, những điều kiện kinh doanh đang hàng ngày, hàng giờ trói chân doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều