Sáng 5/6, tại TP.HCM, Sacombank (mã chứng khoán STB) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 bằng hình thức trực tuyến để các cổ đông trên cả nước có thể theo dõi trên website ngân hàng và fanpage Sacombank, các kết quả bỏ phiếu cũng được thực hiện qua hình thức điện tử.
Thông tin tại đại hội, ông Phạm Văn Phong, Phó Chủ tịch thường trực Sacombank cho biết, sau 3 năm tái cơ cấu, ngân hàng này đã dần lấy lại vị thế trên thị trường. Trong đó, năm 2019, mặc dù có hạn chế trong tăng trưởng tín dụng nhưng kết quả kinh doanh khá khả quan.
Sau 3 năm tái cấu trúc, Sacombank đã dần lấy lại được vị thế trên thị trường |
Cụ thể, tổng tài sản đạt gần 453.600 tỷ đồng, tăng 11,7%; tổng vốn huy động đạt 414.185 tỷ đồng, tăng 11,9%; tổng dư nợ tín dụng đạt 296.457 tỷ đồng, tăng 15,3%. Tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank trong năm tài chính 2019 được ghi nhận ở mức 1,9% (giảm 0,22% so với cùng kỳ năm 2018). Lợi nhuận trước thuế đạt 3.217 tỷ đồng, tăng 43,2% so với cùng kỳ.
Riêng về xử lý nợ xấu, ông Phong cho biết, năm 2019 tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng của Sacombank là hơn 18.400 tỷ đồng, trong đó thuộc đề án tái cơ cấu là 12.409 tỷ đồng. Lũy kế 3 năm tái cơ cấu, Sacombank đã xử lý và thu hồi được 38.346 tỷ đồng.
Về kế hoạch năm 2020, Sacombank dự kiến tổng tài sản đạt 498.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019; Tổng vốn huy động đạt 457.200 tỷ đồng, tăng trên 10%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 329.400 tỷ đồng, tăng 11%; Tỷ lệ nợ xấu là kiểm soát dưới 3%; Lợi nhuận trước thuế đạt 2.573 tỷ đồng.
“Mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp (trên thế giới), tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn dự kiến, hội đồng quản trị sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận bằng với lợi nhuận đạt được năm 2019”, ông Phong khẳng định.
Báo cáo về hoạt động điều hành năm 2019, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, sau 3 năm tái cơ cấu, ngân hàng đã từng bước tối ưu hóa được các danh mục tài sản. Các chỉ số sinh lời cải thiện rõ rệt so với thời điểm trước khi triển khai đề án khi lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng gấp 27 lần; lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) tăng gấp 23 lần và NIM tăng gấp 1,5 lần. Lũy kế thu hồi và xử lý nợ xấu sau 3 năm lên tới 38.346 tỷ đồng. Tài sản tồn đọng giảm 35,6% so với hồi cuối năm 2016, hiện chỉ còn tỷ trọng 13,8% trong tổng tài sản.
“Điểm đáng chú ý trong năm 2020 này là Sacombank quyết định cân đối phù hợp giữa việc phát triển kinh doanh và điều tiết một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng, thông qua việc cơ cấu nợ cho hơn 25.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cung ứng gói vay ưu đãi lãi suất 10.000 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1% và hàng loạt các biện pháp khác, nhằm chung tay với Chính phủ và ngành Ngân hàng để cùng chống chọi với dịch bệnh”, bà Diễm nói thêm.
Tổng giám đốc Sacombank dự kiến năm nay, dịch Covid-19 có thể làm suy giảm lợi nhuận từ 800 - 1.000 tỷ đồng, vì vậy kế hoạch lợi nhuận năm nay mới được điều chỉnh giảm so với năm 2019.
Cũng tại đại hội lần này, Sacombank cũng đã công bố về tình hình hoạt động của các công ty con trong năm 2019. Cụ thể, trong 6 công ty con của Sacombank thì có 5 đơn vị hoạt động có lãi trong năm 2019. Trong đó, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (SBA) là công ty mang về nhiều lợi nhuận nhất cho ngân hàng trong năm 2019 với 150 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. Công ty Cho thuê tài chính (SBL) lợi nhuận đạt hơn 79 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Công ty kiều hối (SBR) mặc dù vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu nhưng hoạt động kiều hối đã phục hồi mạnh mẽ với doanh số tăng 48% so với năm trước. Vì vậy lợi nhuận hiện đã thực dương, đạt 0,4 tỷ đồng, tăng 109% so với năm 2018.
Ngoài ra, Sacombank có hai ngân hàng con tại Lào và Campuchia nhưng kết quả hoạt động có sự chênh lệch rõ ràng. Trong đó, tại Sacombank Lào, với tăng trưởng tích cực về quy mô cùng với việc tái cơ cấu hoạt động theo hướng phân tán, nhỏ lẻ, giảm tỷ trọng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, lợi nhuận đạt được trong năm 2019 là hơn 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng).
Cùng lúc, tại Sacombank Camboda Plc, lợi nhuận vẫn còn âm 2,6 triệu USD do tiếp tục trích lập dự phòng. Trong năm 2019, ngân hàng này đã xử lý, thu hồi được hơn 7 triệu USD nợ xấu, giảm hơn 6% tỷ lệ nợ quá hạn và giảm lỗ đáng kể so với năm trước.
Theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập (lộ trình đến năm 2025), Sacombank chỉ được chi trả cổ tức cho cổ đông sau khi được NHNN chấp thuận. Trong năm 2019, Sacombank đã tích cực kiến nghị NHNN chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại. Tuy nhiên, đến hiện nay, NHNN vẫn chưa cho phép ngân hàng này về phương án chia cổ tức nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tái cấu trúc và phục hồi năng lực tài chính của đơn vị trong các năm tới.
Điểm đáng chú ý trong năm 2020 này là Sacombank quyết định cân đối phù hợp giữa việc phát triển kinh doanh và điều tiết một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng, thông qua việc cơ cấu nợ cho hơn 25.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cung ứng gói vay ưu đãi lãi suất 10.000 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1% và hàng loạt các biện pháp khác, nhằm chung tay với Chính phủ và ngành Ngân hàng để cùng chống chọi với dịch bệnh |
Thạch Bình