Sai phạm tại Vinalines có trách nhiệm của lãnh đạo

13:22 | 10/05/2012

Thanh tra Chính phủ mới đây đã có kết luận về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Nhiều sai phạm, thiếu sót liên quan đến việc phát triển đội tàu vận tải biển và đầu tư xây dựng cảng đã được nêu lên, cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới khoản lỗ lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2007-2010 của doanh nghiệp này. Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc lãnh đạo của Vinalines và các đơn vị thành viên trong các thời kỳ.

Ảnh: ST

"Lộ cộ" mua tàu

Thanh tra Chính phủ cho biết, tính đến cuối năm 2010, Vinalines đã ký 34 hợp đồng đóng mới tàu với các nhà máy trong nước, 32 hợp đồng thuộc Chương trình đóng mới và 2 hợp đồng do doanh nghiệp này chủ động ký nhưng được Thủ tướng Chính phủ cho phép… Trong giai đoạn 2005-2010, Vinalines đã bán 55 tàu có tổng năng lực vận tải trên 664 nghìn DWT, tuổi tàu bình quân 27,1 năm, đã đầu tư mua 73 tàu, đa số là tàu của nước ngoài, đã qua sử dụng với tổng vốn đầu tư 22.853 tỷ đồng.

Quá trình thanh tra xác định một số hạn chế, thiếu sót trong mua bán tàu như các tàu mua có quy mô, tính năng kỹ thuật khác nhau, có chênh lệch giá mua rất lớn, khi đưa vào khai thác có ảnh hưởng rất khác nhau đối với kinh tế vận tải biển, nhưng quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án không có sự phân biệt. Cơ cấu đội tàu chưa phù hợp kế hoạch được phê duyệt; tiến độ Chương trình đóng mới chậm so với kế hoạch 7 năm; chưa lập quyết toán nhiều dự án… "Việc chậm triển khai dự án, chậm quyết toán làm tăng chi phí đầu tư, khó khăn cho việc quản lý chi phí dự án", Thanh tra Chính phủ nhìn nhận.

Kết quả thanh tra cũng xác định, việc mua tàu của Vinalines chưa phù hợp với chủ trương trẻ hóa đội tàu của Chính phủ. Có tới 17 tàu trên 15 tuổi, không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam. Thậm chí, một số tàu 26-30 tuổi vẫn mua, phải đăng ký và treo cờ nước ngoài. Đặc biệt là trong khi nhiều dự án mua tàu đều nêu hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh, nhưng thực tế có 5/27 tàu đóng mới và 34/73 tàu mua về đưa vào khai thác trong giai đoạn 2005-2010 phát sinh lỗ, thậm chí có tàu lỗ nặng phải bán.

Không chỉ dừng lại ở việc mua tàu "lộ cộ", việc tổ chức vận chuyển phân tán, thiếu kinh nghiệm trong điều hành dẫn đến tình trạng tàu của Vinalines bị phạt, bắt giữ nhiều, đặc biệt là trong thời gian qua đã xảy ra 5 vụ tranh chấp lớn dẫn đến tàu bị bắt dữ, phải ngừng hoạt động, phát sinh chi phí nộp phạt, tranh tụng lên đến hàng triệu USD, làm giảm hiệu quả. Kết quả kinh doanh của cả đội tàu Vinalines trong giai đoạn 2005-2010 thấp, nếu hạch toán đầy đủ chi phí, kết quả khai thác tàu giai đoạn này của Công ty mẹ lỗ 935,142 tỷ đồng, nhưng 7 công ty con lãi 847,719 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, những hạn chế, thiếu sót trong đóng mới, mua, bán và khai thác tàu trước hết thuộc trách nhiệm lãnh đạo Vinalines giai đoạn 2007-2010, trực tiếp là Chủ tịch HĐQT (HĐTV) và Tổng giám đốc Vinalines và các đơn vị thành viên thuộc khối vận tải…

Đầu tư cảng tốn kém nhưng lỗ lớn

Trong giai đoạn 2007-2010, Vinalines đã quyết định đầu tư 14 dự án cảng, trong đó có 1 cảng cạn, 1 cảng sông và 12 cảng biển. Tại nhiều dự án, Thanh tra Chính phủ đã xác định sai phạm trong quá trình đầu tư. Tại dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, dù chưa có tổ chức tài chính nào đảm bảo vốn đầu tư cho dự án nhưng đã cho khởi công xây dựng từ cuối tháng 10/2009. Do chỉ đạo, quản lý việc thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và quản lý thi công các hạng mục công trình không chặt chẽ, trái quy định đã làm tăng chi phí đầu tư, dẫn tới lãng phí vốn. Cụ thể là đã chi vượt quy định gần 4,1 tỷ đồng cho việc tổ chức lễ khởi công dự án; điều chỉnh dự toán gói thầu số 1 từ 14 tỷ đồng lên 21,619 tỷ đồng; tăng dự toán gói thầu 6b1 lên 94,232 tỷ đồng…

Tại dự án đầu tư cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Thanh tra Chính phủ cho rằng HĐQT Công ty cổ phần cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã phê duyệt dự án không đúng thẩm quyền quy định; sử dụng chưa đúng mục đích khoản hỗ trợ di dời từ ngân sách nhà nước; phê duyệt gói thầu 11 mà không lập dự toán, không thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành thẩm định dự toán; quyết định triển khai dự án khi chưa thu xếp được vốn… Cũng trong giai đoạn 2007-2010, Vinalines và các đơn vị thành viên sử dụng tiền, đất được giao, được thuê với tổng giá trị gần 1.808 tỷ đồng thành lập 4 liên doanh với nước ngoài để xây dựng, khai thác 4 cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, và Cái Lân. Theo Thanh tra Chính phủ, hiệu quả khai thác một số cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải thấp, mức thu bốc xếp rất thấp và chỉ bằng một nửa mức thu của nhà vận chuyển thu của chủ hàng. Số lỗ của 3 cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đến cuối năm 2010 là hơn 252 tỷ đồng.

Tường Lam

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều