Sản phẩm phái sinh: Cuộc chơi bắt đầu sôi động

14:00 | 09/12/2019

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc bộ phận kinh doanh vốn và tiền tệ của một NHTM lớn cho rằng, tương lai cho các sản phẩm phái sinh rất rộng mở. 

san pham phai sinh cuoc choi bat dau soi dong Vietcombank được cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa
san pham phai sinh cuoc choi bat dau soi dong Thị trường “ngóng” sản phẩm phái sinh mới
san pham phai sinh cuoc choi bat dau soi dong
Ảnh minh họa

NHNN vừa có Quyết định số 2447/QĐ-NHNN về việc bổ sung nội dung hoạt động “Cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa trong phạm vi do NHNN quy định” vào nội dung Giấy phép hoạt động của Vietcombank. Như vậy sau nhiều năm có thế mạnh trong cung ứng các sản phẩm phái sinh tiền tệ (hiện đã có rất nhiều NHTM tham gia) Vietcombank đã quyết định mở rộng hoạt động phái sinh hàng hóa.

Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường sản phẩm phái sinh bắt đầu sôi động hơn. Bởi thực tế hiện hầu hết NHTM chỉ đang cung cấp sản phẩm phái sinh tiền tệ như: lãi suất, ngoại hối và sản phẩm cấu trúc. Những năm trước, khi thị trường ngoại hối nhiều biến động thì phổ biến nhất vẫn là các sản phẩm phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho DN như: như Kỳ hạn (FX Forward), Hoán đổi tiền tệ chéo (CCS), Quyền chọn tiền tệ (FX Option).

Với sự ổn định của tỷ giá (đặc biệt là VND/USD) như những năm gần đây, các sản phẩm này không được DN ưa chuộng như trước. Nhưng theo “tiết lộ” của một chuyên gia kinh doanh vốn và tiền tệ: trong các sản phẩm phái sinh tiền tệ hiện nay khách hàng rất quan tâm đến sản phẩm cấu trúc. Bởi sản phẩm này có các đặc tính: bảo toàn vốn gốc (trong bất kỳ tình huống nào, số vốn gốc của khách hàng đều được bảo toàn); đảm bảo mức lãi suất tối thiểu (nếu khách hàng không rút trước hạn). Và trong trường hợp nếu chỉ số tham chiếu biến động đúng như nhận định của khách hàng, khách hàng có thể nhận được mức lãi suất cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn và không giới hạn mức thu nhập tối đa.

Về sản phẩm phái sinh hàng hóa, số lượng NHTM tham gia cung cấp không nhiều. Có thể kể đến những ngân hàng đi đầu trong cung cấp sản phẩm phái sinh hàng hóa như BIDV, Techcombank, Sacombank… Lãnh đạo một NHTM cho biết: Việc cung ứng các sản phẩm kinh doanh vốn và tiền tệ nhằm quản lý hiệu quả biến động giá cả hàng hoá và biến động tỷ giá là công cụ hiệu quả để hỗ trợ, đồng hành cùng DN trong bối cảnh hiện nay. Các sản phẩm phái sinh hàng hóa giúp khách hàng quản lý hiệu quả biến động giá cả hàng hoá như: Tương lai hàng hoá (Futures), Hoán đổi giá cả hàng hóa (CoS), Quyền chọn giá cả hàng hoá (Option).

Sản phẩm Tương lai hàng hoá cho phép DN linh động chốt giá mua và giá bán hàng hoá trực tiếp theo từng kỳ hạn trên sàn tương lai hàng hoá (Futures exchange) phù hợp với hoạt động mua bán hàng thực. Các sản phẩm như cà phê, cao su, ngũ cốc, kim loại… là những mặt hàng được các DN Việt Nam giao dịch phổ biến. Do giá cả trên sàn là giá tham chiếu cho giao dịch các loại hàng hoá này nên các DN có thể chủ động bảo hiểm giá rất hiệu quả.

Đối với sản phẩm này các DN phải ký quỹ và trả phí giao dịch cho ngân hàng. Sản phẩm Hoán đổi giá cả hàng hoá: là công cụ quản lý biến động giá hàng hoá hiệu quả trong ngắn - trung - dài hạn, được các ngân hàng tiên phong về các sản phẩm phái sinh sử dụng rất phổ biến. Khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu trên thế giới đã sử dụng hiệu quả sản phẩm CoS để phòng ngừa biến động giá, giúp DN chủ động phương án sản xuất, kinh doanh. Cũng như sản phẩm tương lai hàng hoá, CoS cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro giá hàng hoá cho hầu hết các loại hàng hoá như xăng, dầu, nhiên liệu bay, kim loại...

Sản phẩm quyền chọn giá cả hàng hoá: giúp DN phòng ngừa biến động, giá hàng hoá song vẫn không giới hạn khả năng tận dụng cơ hội thị trường (đặc tính này vốn không có ở sản phẩm tương lai và hoán đổi). Bằng việc mua một hợp đồng quyền chọn, DN được quyền cố định được giá mua hoặc bán hàng hoá tại một mức giá cụ thể trong một thời gian xác định, đổi lại DN phải trả phí quyền chọn.

Trên thế giới, từ lâu các công cụ hỗ trợ DN quản lý biến động tỷ giá, giá hàng hoá nói trên đã trở nên rất phổ biến. Sự biến động của các yếu tố giá diễn ra hàng ngày, hàng giờ khiến các thành viên thị trường đã “quen” sử dụng các giải pháp phòng ngừa rủi ro. Với Việt Nam, khi nền kinh tế ngày càng mở cửa, hội nhập DN trong nước sẽ đứng trước yêu cầu cao hơn về cạnh tranh. Mà một trong các yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ chính là việc quản lý chi phí một cách hiệu quả. Các công cụ nói trên góp phần hỗ trợ DN chủ động trong việc tính toán chi phí, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc bộ phận kinh doanh vốn và tiền tệ của một NHTM lớn cho rằng, tương lai cho các sản phẩm phái sinh rất rộng mở. Bởi có cầu là ắt có cung. Các NHTM luôn sẵn sàng tham gia thị trường phái sinh, song vấn đề mà cả ngân hàng lẫn DN mong muốn chính là khung pháp lý đầy đủ, phù hợp thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho các bên tiếp cận sản phẩm, cũng như mở rộng phạm vi sản phẩm...

Hà An

Tin đọc nhiều