Ngân hàng sẵn sàng cho giải pháp phát hành thẻ trực tuyến |
Hành lang pháp lý đã được hoàn thiện
Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức thẻ quốc tế Visa, 85% người tiêu dùng Đông Nam Á chấp nhận các phương thức thanh toán số, như thanh toán thẻ, thanh toán không tiếp xúc... Trong đó, gần 2/3 người tiêu dùng ở Đông Nam Á đã trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó Việt Nam chiếm 84%.
Nhìn từ thực tế, hoạt động thanh toán bằng thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh mẽ thông qua số lượng phát hành mới và giá trị giao dịch. Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), trong 9 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị. Đặc biệt, từ tháng 3 đến hết tháng 9, có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử với số lượng giao dịch đạt hơn 4,6 triệu món.
Trên đà phát triển đó, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ của ngân hàng. Theo dự thảo, các ngân hàng được phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử, bổ sung một điều để quy định về việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử.
Với nỗ lực này, các chuyên gia đánh giá việc sửa đổi quy định đã tạo ra hành lang pháp lý cởi mở hơn cho ngân hàng và khách hàng trong dịch vụ thanh toán thẻ. Việc tăng cường ứng dụng các công nghệ mới để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh trong dịch COVID-19. Vì vậy, hoạt động thanh toán thẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Không chỉ giới chuyện gia, người dân cũng đang mong mỏi chính sách mới được ban hành từng ngày. Chị Minh Hường (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) chia sẻ, từng là khách hàng được sử dụng dịch vụ mở thẻ ngân hàng trực tuyến chị đã cảm nhận rõ nhất những tiện lợi của dịch vụ này trong mùa dịch. Gần đây, chị có nhu cầu mở thêm thẻ tín dụng nên cũng có tìm hiểu thêm.
"Hiện, tôi đã đăng ký mở tài khoản trực tuyến nhưng quy trình xét duyệt hồ sơ, chứng minh thu nhập mất nhiều thời gian hơn nên tôi cũng đang do dự. Nếu chính sách mới sớm được ban hành, tôi sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và quan trọng là hạn chế được tiếp xúc, giảm thiểu các nguy cơ dịch bệnh COVID-19", chị Minh Hường nói.
Nhân lực và công nghệ đã sẵn sàng
Để chuẩn bị cho chính sách mới, các ngân hàng tại Việt Nam về cơ bản đã có nền tảng kỹ thuật, hệ thống sẵn có để nâng cấp, phát triển hướng tới việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử trên nền tảng số.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đang mạnh mẽ triển khai eKYC mở tài khoản thanh toán hoàn toàn trực tuyến, nâng cao hạn mức bằng video call. Đồng thời, ngân hàng cũng đẩy mạnh tự động hóa vận hành trong thời gian tới với các dự án như trợ lý ảo voiceBot.AI, số hóa quy trình cho vay trực tuyến thế chấp bằng sổ tiết kiệm... Với việc đẩy mạnh công nghệ, ngân hàng này hướng đến gia tăng tỉ lệ giao dịch số hóa lên mức 90% trong năm 2025.
Cũng trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, sẽ triển khai các dịch vụ sử dụng thiết bị máy tự phục vụ tiên tiến như Video Teller Machine giúp khách hàng được phát hành thẻ nhanh chóng và thực hiện giao dịch ngân hàng với vài thao tác đơn giản. Ngân hàng cũng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh chấp nhận thanh toán thẻ với sự hợp tác của Visa và MasterCard trên nền tảng hệ thống SmartVista. Để thực hiện được kế hoạch này, ngân hàng đã sớm xác định công nghệ là trụ cột trong chiến lược phát triển, hướng đến các mục tiêu tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã áp dụng trước mô hình phát hành thẻ tín dụng ảo - đây được xem là một bước phát triển mới của thẻ tín dụng. Mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã triển khai cấp thẻ tín dụng ảo miễn phí đến từng đối tượng khách hàng cụ thể trên ứng dụng di động Digimi. Thẻ tín dụng ảo này được tích hợp đầy đủ các chức năng của một chiếc thẻ tín dụng vật lý. Khách hàng sẽ được miễn lãi với chi tiêu ngắn hạn (tối đa 45 ngày), dễ dàng quản lý chi tiêu, mua sắm online và mua trả góp hàng lãi suất 0% nhanh chóng...
Bên cạnh đó, ứng dụng chữ ký số cá nhân trong việc phát hành thẻ trực tuyến cũng là một xu hướng được ngân hàng đón đầu. Công nghệ này sẽ giúp các ngân hàng khắc phục được một số hạn chế từ hình thức xác thực qua SMS OTP, Token OTP, email OTP cho từng dịch vụ riêng lẻ, khách hàng sử dụng một số thiết bị phải nhập OTP thủ công nên vẫn dẫn đến sai sót…
Ngoài việc đầu tư vào công nghệ, sự chuẩn bị về nhân sự số cũng rất quan trọng và được ngân hàng chuẩn bị kỹ càng. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) xác định đến năm 2024, nhân sự công nghệ sẽ chiếm tới 25% toàn ngân hàng và trở thành lực lượng chủ chốt hỗ trợ MBBank mở rộng quy mô và hoạt động trong vai trò là một doanh nghiệp công nghệ. Vì vậy, ngân hàng này đã đề cao sự linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng phát triển đội nhóm nhân sự công nghệ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ với thái độ sẵn sàng ứng biến nhanh với đổi mới công nghệ, có năng lực xử lý vấn đề và phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng số tốc độ cao.
Ngoài ra, để sẵn sàng cho quá trình phát hành thẻ trực tuyến, một số chuyên gia khuyến cáo, các nhà băng cần xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp pháp luật về giao dịch điện tử, quy định pháp luật liên quan về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng. Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ ngân hàng được phát hành bằng phương thức điện tử. Tổng hạn mức giao dịch không vượt quá 100 triệu đồng/tháng sẽ là ngưỡng an toàn.
Hương Giang