Sandbox  cho Fintech Việt: Kinh nghiệm từ đảo quốc Sư tử

08:38 | 10/01/2020

Công nghệ Tài chính (Fintech) ngày càng quen thuộc với người Việt như ví điện tử, mã QR… Để Fintech phát triển tối đa, không thể thiếu sandbox - như Singapore đang thể nghiệm rất hiệu quả.

Việt Nam nằm trong số ít quốc gia chưa có sandbox

Phát triển tại Việt Nam từ năm 2015 với các công ty trong lĩnh vực trung gian thanh toán, thị trường Fintech rất sôi nổi, với khoảng 200 công ty Fintech đa dạng. Theo nghiên cứu từ công ty tư vấn khu vực APAC Solidiance, thị trường Fintech Việt đã đạt 4,4 tỉ USD giá trị giao dịch năm 2017 và dự kiến sẽ lên đến 7,8 tỉ USD năm 2020.

Môi trường Việt Nam cũng thuận lợi để Fintech tăng trưởng. Báo cáo của Appota, nhà cung cấp nền tảng internet di động tại Việt Nam, chỉ ra có 69% người dân sử dụng internet và 72% dùng smartphone hàng ngày. Điều đó cho thấy thị trường di động ở Việt Nam màu mỡ và là mảnh đất rộng lớn để các doanh nghiệp tiếp tục khai thác. Trong khi đó, đa số người Việt vẫn còn thói quen dùng tiền mặt. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng chỉ mới đạt 59% dân số; giao dịch không tiền mặt tính theo đầu người chỉ chiếm 4,9%. Tuy tiềm năng còn rất lớn, nhưng những năm vừa qua, Fintech Việt vẫn còn tự phát do chưa có cơ chế, môi trường pháp lý rõ ràng. Điều này khiến các doanh nghiệp ít sẵn sàng đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư cũng ít rót vào do lo ngại rủi ro pháp lý.

Sandbox chính là giải pháp hữu hiệu phá thế khó cho Fintech Việt. Khung thể chế thí điểm này cho phép doanh nghiệp thử nghiệm những dịch vụ sáng tạo, mô hình kinh doanh mới.

Trong số 6 nước Đông Nam Á đang phát triển Fintech, Việt Nam và Philippines là 2 nước chưa áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox).

sandbox cho fintech viet kinh nghiem tu dao quoc su tu

Sandbox cho Fintech - nhìn từ Singapore

Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ủng hộ kinh tế chia sẻ, “bật đèn xanh” cho sandbox. Tại toạ đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam" tháng 11/2019, sau khi phân tích xu hướng tất yếu của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, ông Ngô Văn Đức - Phó Trưởng phòng, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - kết luận: “Việc tạo ra cơ chế sandbox cho lĩnh vực Fintech là nhu cầu cấp thiết”.

Cấp thiết như thế, nhưng lĩnh vực mới mẻ, đột phá như sandbox cũng còn vấp phải một số e ngại, do dự. Kinh nghiệm từ Singapore - đảo quốc nhỏ bé nhưng là đang xếp thứ tư về Fintech toàn cầu, cũng là một trong những quốc gia tiên phong đưa thể nghiệm sandbox cho Fintech - sẽ rất hữu ích cho Việt Nam.

Khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (regulation sandbox) cho Fintech được Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đưa vào vận hành từ 6/2016, cho phép các tổ chức tài chính, doanh nghiệp Fintech thử nghiệm các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính sáng tạo trong không gian và thời gian được xác định rõ.

“Chính phủ và các cơ quan quản lý của Singapore rất ủng hộ Fintech” - ông Jon Allaway, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Tài chính của Accenture - nhận định. “Singapore nhập cuộc cùng các startup bằng cách tư vấn và làm việc cùng họ để chỉ ra những lỗ hổng hay vấn đề tiềm ẩn”.

Với không khí khởi nghiệp sôi động, có trên 40 Trung tâm Sáng tạo, Singapore hiện là thủ phủ của các doanh nghiệp ASEAN. Chỉ riêng lĩnh vực Fintech, Singapore có hơn 500 startup, với kỷ lục gọi vốn đầu tư năm 2018 là 500 triệu đô-la Singapore.

Ông Ravi Menon, Giám đốc Điều hành MAS Singapore, chia sẻ tại Lễ hội Fintech Singapore: “Hành trình Fintech Singapore luôn hướng đến sự đổi mới, sáng tạo, hội nhập và truyền cảm hứng. Mọi điều chúng tôi làm trong lĩnh vực Fintech phải luôn có mục đích lớn hơn: cải thiện cuộc sống của mỗi cá nhân, xây dựng nền kinh tế năng động hơn, và thúc đẩy một xã hội toàn diện hơn”.

Tùy trường hợp, MAS sẽ hỗ trợ pháp lý phù hợp bằng cách nới lỏng các quy định cụ thể mà doanh nghiệp tham gia sandbox phải tuân theo trong thời gian thể nghiệm. Sandbox còn bao gồm các biện pháp bảo hộ thích hợp để giải quyết hậu quả khi thất bại và duy trì sự an toàn, lành mạnh chung của hệ thống tài chính.

Sau khi thử nghiệm thành công và vượt qua giai đoạn thử nghiệm sandbox, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu pháp lý và quy định có liên quan.

Tháng 8/2017, Công ty Bảo hiểm PolicyPal trở thành startup đầu tiên “tốt nghiệp” từ mô hình sandbox này sau nửa năm thể nghiệm. Thế mạnh của PolicyPal là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để số hoá và đơn giản hoá sổ bảo hiểm, cho phép khách hàng cá nhân và tổ chức quản lý bảo hiểm của họ dễ dàng.

Sáu tháng với cơ chế thử nghiệm sandbox là thời gian PolicyPal thể nghiệm công nghệ và khẳng định mô hình hoạt động của mình ở Singapore. PolicyPal tập trung nhân rộng dịch vụ sản phẩm cho cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm giúp khách hàng phân tích, quản lý và tối ưu hóa danh mục bảo hiểm. Công ty đang mở rộng hoạt động sang Nhật, Đài Loan, Indonesia và Thái Lan.

Nhung Đỗ

Tin đọc nhiều