Sáng tạo trong cách xài tiền

08:46 | 30/07/2020

Trước sự phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp công nghệ mới, đa dạng sản phẩm dịch vụ để khuyến khích người tiêu dùng tài chính sử dụng ngân hàng điện tử, hạn chế tiếp xúc để tránh dịch bệnh lây lan. Ngược lại, khách hàng cũng cho biết họ đã và đang phải sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Tăng liên kết, phát triển thêm nhiều sản phẩm

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, hỗ trợ thay đổi nhanh chóng thực tiễn sản xuất – kinh doanh tại mọi lĩnh vực. Đặc biệt trong thời điểm “nhà nhà đóng cửa” đối phó với dịch bệnh Covid-19 thì những đóng góp tích cực của công nghệ như trở thành một chìa khóa mới cho tất cả mọi người.

Lĩnh vực ngân hàng cũng vậy, nhờ sự trợ giúp của công nghệ, các ngân hàng cũng liên tục đổi mới, sáng tạo để đổi quy trình nghiệp vụ truyền thống, trong đó bao gồm các nghiệp vụ như nhận gửi, cho vay, thanh toán… cũng như phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, đầy hứng thú cho người tiêu dùng với chi phí thấp.

sang tao trong cach xai tien
Các ngân hàng Việt Nam đang ráo riết đặt mục tiêu hạn chế dùng tiền mặt, giao dịch không cần đến ngân hàng

Đơn cử, gần đây người tiêu dùng liên tục nhận được các thông tin quảng cáo quen thuộc từ phía ngân hàng như: “làm sao để mở tài khoản mà không cần đến ngân hàng?; tải ứng dụng thanh toán nhận quà mê say, giao dịch tại nhà, tại sao không?...” về hình thức, tất cả các sản phẩm dịch vụ mới mà ngân hàng triển khai tập trung vào 2 yếu tố là giao dịch trực tuyến và nhận quà. Các món quà mà người tiêu dùng nếu sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ nhận được cũng giá trị như hoàn 50.000 đồng khi tải ứng dụng; hoàn 30.000 đồng cho khách hàng mới thực hiện bất kỳ giao dịch thanh toán qua ứng dụng sớm nhất; Giới thiệu thành công bạn bè, người thân tải và xác thực tài khoản ứng dụng sẽ được hoàn 20.000 đồng/lượt giới thiệu… Hàng ngàn quà tặng kèm theo trong quá trình sử dụng dịch vụ cũng được các ngân hàng triển khai rầm rộ.

Có thể thấy rằng, các ngân hàng Việt Nam đang ráo riết xây dựng một xã hội không tiền mặt, giao dịch không cần đến ngân hàng. Ngày càng có nhiều công ty cùng hợp sức với ngân hàng bằng các hình thức ký kết với nhau khiến hiệu quả truyền thông tới khách hàng đang lan tỏa khá tốt.

Nói như một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần tại TPHCM, một đất nước đông dân như Ấn Độ vài năm trước đã quyết định ngưng sử dụng tiền mặt cho các hoạt động giao thương và họ đã làm được. Tại Việt Nam, điều này đang đến rất gần vì Chính phủ cũng như ngành Ngân hàng đang rất quyết liệt thực hiện các chính sách thanh toán không dùng tiền mặt. “Điều tích cực là hiện nay doanh nghiệp nhìn nhận đây là điều nên làm, còn người dân cũng nhận ra rằng, thay vì phải mang theo tiền mặt trong người, họ có nhiều lựa chọn tốt hơn và an toàn hơn. Một vòng tròn khép kín dần được hoàn thiện, khởi đầu cho một xã hội phi tiền mặt: Nhà nước đẩy mạnh thực hiện, người dân chấp nhận, doanh nghiệp ủng hộ…”, vị lãnh đạo ngân hàng trên chia sẻ.

Quả vậy, nhờ những nỗ lực không ngừng của các ngân hàng, các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán di động đang dần trở thành thói quen thường nhật của một số bộ phận người tiêu dùng. Theo đó, rất nhiều người đã có thói quen dùng điện thoại thanh toán với các thao tác đơn giản là chạm điện thoại vào máy POS, hay sử dụng ứng dụng trên điện thoại thanh toán các hóa đơn dịch vụ hoặc trả nợ thẻ tín dụng; chuyển tiền; nạp tiền điện thoại... Thậm chí, một số bạn trẻ cho biết đã từ rất lâu họ không còn để tiền mặt trong ví, thói quen sử dụng thẻ cũng như điện thoại đã khiến họ quên luôn việc sử dụng tiền mặt. Bởi các bạn trẻ cho rằng, thanh toán qua ứng dụng hay thẻ mới là “thời thượng” và thể hiện đẳng cấp.

Một lãnh đạo của VIB cũng đồng ý rằng, ngày nay việc mua sắm online đang dần thay thế mua sắm truyền thống. Vị này cũng thừa nhận, đây không chỉ là một trải nghiệm thú vị về dịch vụ ngân hàng trên smartphone và máy tính bảng dành cho những người có nhu cầu mua sắm và chuyển tiền trên mạng xã hội ngay khi đang chat, mà còn được kỳ vọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam”.

Mức độ an toàn được bảo mật “kép”

Không chỉ dừng lại ở việc đa dạng quá sản phẩm dịch vụ, để làm yên lòng thêm cho những người dùng về sự bảo mật và tính an toàn, các ngân hàng nhanh chóng nâng cấp công nghệ. Đây chính là điểm tuyệt vời mà người tiêu dùng có thể cảm nhận trong mùa dịch hạn chế đi lại này.

Thực ra, những rủi ro xuất hiện trên Internet như: truy cập trái phép, đánh cắp thông tin cá nhân, phần mềm gián điệp... tồn tại suốt thời gian qua. Giao dịch trên nền tảng di động cũng không nằm ngoài những rủi ro trên và chủ yếu là đánh cắp thông tin cá nhân, mật khẩu, lừa đảo chuyển tiền tới một tài khoản nào đó có chủ ý. Có điều, để làm yên lòng người tiêu dùng, công việc bảo mật đang được các ngân hàng đặc biệt quan tâm đặt lên hàng đầu. Một số ngân hàng đã vận hành công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy tính và không ngừng ứng dụng các giải pháp công nghệ số để bảo mật thông tin khách hàng như Vietcombank, ACB, Sacombank, VIB, SCB…

Như đại diện VIB khẳng định, về bản chất, khi khách hàng mở “MyVIB Social keyboard” là đang mở trực tiếp ứng dụng MyVIB với công nghệ bảo mật tối ưu. Do đó, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về tính an toàn khi sử dụng “MyVIB Social Keyboard”. Bên cạnh đó, với mỗi yêu cầu chuyển tiền đều phải được xác thực thông qua mã OTP được gửi tới điện thoại của người gửi thì giao dịch chuyển tiền mới được xem là thành công.

Hay như một giám đốc khối ngân hàng bán lẻ của SCB nói rằng, thời gian qua phải liên tục nâng cấp hệ thống core banking mới. Tính đến thời điểm này, SCB đã nâng cấp phiên bản core banking cao cấp nhất của Oracle để giúp khách hàng thao tác thuận tiện và an toàn nhất. Với nền tảng công nghệ mới này, tính bảo mật của hệ thống gần như an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Thậm chí, ngân hàng này còn tính đến chuyện có rất nhiều khách hàng truyền thống không thể sử dụng thành thạo công nghệ nên ngân hàng cũng trang bị những giải pháp tốt nhất cho lượng khách hàng này...

Có thể thấy, bảo mật cho các giao dịch trên Internet ngày càng được ngân hàng chú trọng. Thí dụ các công ty công nghệ khác triển khai công nghệ phức tạp hơn, như nhận dạng sinh trắc học, quét sử dụng dữ liệu sinh trắc, nhận diện khuôn mặt... Công nghệ hiện đại hơn đang trong quá trình thử nghiệm là công nghệ tương tác thực tế (AR) và công nghệ không gian, sử dụng vị trí và nhận thức tình trạng để cân nhắc điều kiện địa phương hóa để nhắc nhở cũng như ngăn chặn người dùng truy cập.

Có điều, bản thân người làm ngân hàng cũng không thể chắc chắn 100% vì công nghệ hiện đại đến mấy thì xác suất rủi ro vẫn còn. Do đó, người dùng đang tiến vào không gian tiếp theo của công nghệ bảo mật, nơi an ninh được đặt ở mức cao nhưng để hạn chế được tối đa các vụ mất mát tài sản, thiết nghĩ ở phía người sử dụng cũng cần hợp tác với ngân hàng giảm thiểu rủi ro trong giao dịch thông qua Internet một cách tối đa. Trước hết, khách hàng cần quan tâm tới an toàn cho máy tính cá nhân bằng cách cài đặt phần mềm chính hãng của các công ty có uy tín, một bức tường lửa tối thiểu, một phần mềm chặn virus và một mật khẩu đủ khó. Đồng thời, khách hàng không nên giao dịch với những trang web lạ, chưa rõ nguồn gốc. Điều này tránh cho khách hàng gặp phải những rắc rối không đáng có khi giao dịch với các website lừa đảo nhằm lấy cắp thông tin và tiền.

Một điểm đáng lưu ý là mặc dù ngân hàng luôn quan tâm tới công tác bảo mật, nhưng khách hàng vẫn phải đảm bảo tốt các yếu tố: không đăng nhập hoặc cung cấp tên tài khoản, mật khẩu của tài khoản và mã OTP trên bất kỳ ứng dụng và trang web nào không phải của chính ngân hàng mà chúng ta đang sử dụng dịch vụ, không truy cập các trang web/ đường dẫn hoặc tải các ứng dụng không đáng tin cậy…

Giao Lâm

Tin đọc nhiều