SCB đa dạng cổ đông và định hướng kinh doanh theo giá trị "Ngân hàng vì cộng đồng"

09:57 | 29/05/2020

SCB đưa giá trị “Ngân hàng vì cộng đồng” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động điều hành và phát triển kinh doanh.

Đa dạng cổ đông

Trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 29/5, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) trình Đại hội thông qua phương án đăng ký giao dịch trên hệ thống Upcom trong năm 2020-2021 và phương án tăng vốn điều lệ của SCB thêm 5.000 tỷ đồng.

scb da dang co dong va dinh huong kinh doanh theo gia tri ngan hang vi cong dong

Trước mắt, SCB thực hiện đợt phát hành 500 triệu cổ phiếu ra công chúng lần này để bổ sung vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính trong bối cảnh toàn hệ thống TCTD đang đẩy nhanh quá trình đáp ứng yêu cầu vốn theo Basel II. Song song đó, về lâu dài, SCB tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để cùng tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng và thực hiện các mục tiêu dài hạn. Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tham gia vốn vào ngân hàng luôn là mục tiêu dài hạn của SCB.

Vừa qua, SCB đã được Chính phủ và NHNN chấp thuận Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, SCB tiếp tục được ủng hộ về mặt chủ trương trong việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tham gia vốn với tỷ lệ trên 50%, song sẽ đa dạng thêm cổ đông, tức sẽ có nhiều cổ đông trong và ngoài nước tham gia, thay vì chỉ có một nhà đầu tư. Trong điều kiện thuận lợi, cho phép cổ đông nước ngoài nắm giữ trên 50%; cổ đông nước ngoài không nhất thiết là cổ đông chiến lược chiếm trên 20%, ưu tiên các định chế tài chính ở các nền kinh tế phát triển và phải trình Thủ tướng xem xét. Giá phát hành sẽ được hai bên đàm phán, thỏa thuận.

Kế hoạch gọi thêm cổ đông mới cùng tham gia với ngân hàng trong giai đoạn này có ý nghĩa rất tích cực, vì tình hình SCB đã được cải thiện tích cực hơn sau giai đoạn tái cấu trúc.

SCB cho biết, sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính và phù hợp với chiến lược kinh doanh của ngân hàng nhưng không giới hạn số lượng nhà đầu tư; miễn nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí do SCB đưa ra.

Hiện SCB còn nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, song đã trích lập dự phòng gần đủ. Tính đến 31/12/2019, tổng quỹ dự phòng rủi ro của SCB đạt 11.510 tỷ đồng.

SCB vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm hoàn nhập dự phòng sau khi kết thúc quá trình tái cấu trúc, xử lý hết nợ xấu. Hiện nay quá trình xử lý nợ xấu đã có cơ chế của VAMC. Trong quá trình tái cơ cấu, SCB cấu trúc lại các khoản nợ cho phù hợp với thị trường cũng như phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Bởi nợ xấu của SCB đều có tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản tiềm năng (khu công nghiệp, bất động sản nhà ở), không có hàng tồn kho. Với sự cấu trúc lại của nền kinh tế, đáng chú ý sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu sau đợt dịch Covid-19 chính là nền tảng quan trọng để SCB xử lý được những vấn đề còn tồn tại này.

Các khoản trích lập dự phòng đều là nguồn tài chính tích lũy trong hoạt động xử lý nợ. Sau khi hoàn tất việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của ngân hàng.

Lan tỏa những giá trị nhân văn

SCB đưa giá trị “Ngân hàng vì cộng đồng” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động điều hành và phát triển kinh doanh. Do đó các sản phẩm, dịch vụ có giá trị lan tỏa đến cộng đồng dần trở thành các sản phẩm quan trọng và có vai trò tiền đề trong chặng đường phát triển bền vững sắp đến của SCB. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe khách hàng và các biện pháp phòng chống rủi ro tài chính cũng quan trọng như quá trình nỗ lực kinh doanh của SCB.

SCB đã lên những kế hoạch hành động cụ thể cho định hướng phát triển này. Chẳng hạn như sản phẩm “Tiết kiệm song hành - Bảo hiểm toàn tâm” không chỉ tối ưu số tiền nhàn rỗi cho khách hàng mà còn giúp khách hàng an tâm và chủ động trong việc tham gia các gói bảo hiểm, như một sự đầu tư và dự phòng rủi ro cho tương lai của cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Sản phẩm “Bảo hiểm Ung thư toàn diện - Tâm An 360” là giải pháp bảo hiểm chuyên sâu giúp khách hàng chủ động và an tâm hơn về mặt tài chính trước các loại bệnh ung thư với khoản hỗ trợ lớn và quyền lợi bảo hiểm cho mỗi người con của người tham gia bảo hiểm.

S-Care là sản phẩm thẻ tín dụng đầu tiên trên thị trường mang đầy đủ lợi ích về tài chính cho khách hàng đi kèm với tính năng bảo vệ sức khỏe và quà tặng là gói tầm soát ung thư hàng năm cho khách hàng. SCB đã phát động chương trình chung tay xây dựng Quỹ SCB-Care cùng với thông điệp “Trao yêu thương, tròn hạnh phúc” thông qua việc trích lợi nhuận từ thẻ S-Care để hỗ trợ các bệnh nhân ung thư và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Cụ thể, khi khách hàng sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng S-Care của SCB, ngân hàng sẽ trích một phần (khoảng 10%) lợi nhuận trên tổng lợi nhuận thu về từ việc kinh doanh của mình để phục vụ các hoạt động xã hội. Hiện SCB đã thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư, với số tiền ban đầu khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau đó, doanh số tăng dần thì nguồn tiền của quỹ trên cũng tăng theo để hướng đến mục tiêu chung đã đề ra.

Mai Khôi

Tags: #SCB
Tin đọc nhiều