Theo đó, SHB trở thành NHTMCP có hạn mức dự án lớn nhất trên tổng số 9 NHTMCP tham gia dự án. Với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, SHB luôn sẵn sàng cung ứng các giải pháp tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo - một trong những ngành đóng vai trò chủ đạo trong kinh tế vùng.
Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 trở lại đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, cũng như khó khăn riêng của vùng là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
Điều này cũng tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng khi tín dụng của cả vùng những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2/2020 của 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang đến hết tháng 2/2020 thấp dưới 2%.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo trong cả nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, các NHTM cũng cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo; làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua lúa, gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cho người dân.
Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB) có cấu phần tín dụng là 105 triệu USD nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho 2 ngành lúa gạo và cà phê ở 2 vùng sản xuất chủ lực là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Thông qua 9 NHTMCP được lựa chọn, nguồn vốn nhằm cho vay các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, thiết bị chế biến gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long và cho nông dân vay tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. SHB hiện là NHTMCP có hạn mức lớn nhất trên tổng số 9 NHTMCP tham gia dự án.
Bà Ngô Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc SHB cho biết: “Việc tăng hạn mức thêm 300 tỷ đồng cho hợp phần lúa gạo của năm 2020 nâng tổng hạn mức dự án lên 700 tỷ đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn… SHB sẵn sàng cung ứng các giải pháp tài chính với lãi suất ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Bên cạnh đó, với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, SHB luôn đồng hành, hỗ trợ, tư vấn sử dụng vốn, tinh giản các thủ tục theo hướng nhanh gọn, thuận tiện giúp người dân nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn và sử dụng vốn một cách hiệu quả”.
Được lựa chọn tham gia dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững giai đoạn tháng 7/2017, với nguồn vốn cho vay trung dài hạn và lãi suất cho vay ưu đãi, tài trợ cho 2 lĩnh vực sản xuất lúa gạo và trồng cây cà phê, SHB đã mang lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng là đối tượng người nông dân khu vực Tây Nguyên và khách hàng doanh nghiệp sản xuất lúa gạo thuộc địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế tại hai địa bàn này.
Trước đó, hưởng ứng dự án “Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững - VnSAT” của Chính phủ đặc biệt là tái canh cây cà phê - một ngành kinh tế mũi nhọn được định hướng phát triển mạnh trong giai đoạn 2015-2025, SHB đã cam kết tài trợ vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm nhằm tái canh cây cà phê hiệu quả trên địa bàn Tây Nguyên.
Thu Hà