Dành gần 8.600 tỷ đồng đầu tư Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng | |
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả bền vững |
Nỗi lo mất an toàn
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đến tháng 5/2018 trên địa bàn cả nước có 385 nhà máy thủy điện đang hoạt động, với tổng dung tích hồ chứa vào khoảng 56 tỷ m3, tổng công suất nguồn thủy điện 21.600 MW, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia.
Cần tăng cường quản lý an toàn hồ đập thủy điện |
Đến nay nhìn chung các nhà máy thủy điện trên địa bàn cả nước đã tuân thủ quy định về xây dựng phương án phòng chống thiên tai. Nhiều đơn vị đã chủ động đề xuất kế hoạch vận hành hồ chứa, bảo đảm an toàn, giảm thiểu tối đa tác động, thiệt hại cho hạ du...
Tuy nhiên, mặc dù đã có những nỗ lực trong việc vận hành các thủy điện, nhưng quy trình xả lũ vẫn còn gây ra những lo lắng đặc biệt cho người dân. Trên thực tế, những năm gần đây đã không ít lần xảy ra trường hợp nhà máy thủy điện xả lũ, gây thiệt hại lớn cho tính mạng và tài sản của người dân ở vùng hạ lưu.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương, năm 2017 đã có 16 cơn bão và nhiều cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Lũ lịch sử đã được ghi nhận tại một số địa phương trong cả nước. Hồ Hòa Bình phải xả lũ khẩn cấp 8 cửa xả đáy.
Bên cạnh đó, tại một số đơn vị, mặc dù đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai, song công tác diễn tập chưa được coi trọng, thực hiện thường xuyên; còn thiếu phương án phối hợp với địa phương xử lý các tình huống, sự cố xảy ra trong quá trình vận hành đập, xả lũ... Điều này, khiến nhiều địa phương trở tay không kịp, gây những hậu quả nặng nền về người và tài sản cho người dân.
Tại Hội nghị quản lý, vận hành đập thuỷ điện và phòng chống thiên tai trong ngành Công thương, vừa diễn ra tại Đà Nẵng, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, các đơn vị đều có phương án bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du. Nhưng trong nhiều trường hợp, không phổ biến cho người dân biết, không được diễn tập, gây lúng túng khi xảy ra các tình huống khẩn cấp.
Tăng cường phối hợp với địa phương
Theo nhiều người, nguyên nhân chính khiến công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo hoạt động an toàn ở các thủy điện còn những bất cập, là chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương, đặc biệt trong việc vận hành xả lũ. Nhiều thủy điện đã chưa, hoặc thông báo không đầy đủ kịp thời những thông tin liên quan đến xả lũ, khiến cho chính quyền các địa phương lúng túng, thậm chí khi có sự cố xảy ra đã không kịp trở tay.
Bên cạnh đó, thông tin dự báo của các đài khí tượng thủy văn khu vực và địa phương chưa kịp thời hoặc thiếu chính xác, công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn của chủ đập chưa nghiêm túc... Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự cố trong xả lũ thời gian qua ở các địa phương.
Trước tình hình này, trong thời gian tới Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 9/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Tùy theo đặc điểm sản xuất của từng đơn vị để có phương án phòng chống thiên tai phù hợp, rà soát các hạng mục công trình để có biện pháp phòng chống giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai.
Được biết, đến nay 278/278 đập, hồ chứa thủy điện có dung tích từ 50 nghìn m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 5m trở lên đã được chủ đầu tư thực hiện đăng ký an toàn đập. Đồng thời, tiến hành kiểm tra định kỳ, báo cáo hiện trạng tới cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền, có phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn vận hành thủy điện.
Đặc biệt, ngành Công thương cũng đã tăng cường giải pháp để các nhà máy thủy điện phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương, trong công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ. Cụ thể, các đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, cảnh báo khi vận hành, xả lũ, tuyên truyền cho người dân cách phòng chống, xử lý tình huống khi xả lũ, tăng cường cảnh báo cho khu vực hạ du...
Theo ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc CTCP Thủy điện A Vương, việc thực hiện phối hợp tốt với chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan trong công tác điều tiết nguồn nước và phòng chống lụt bão sẽ phát huy được những tác động tích cực của công trình thủy điện, giảm thiểu các tác động bất lợi, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước cũng như phối hợp điều tiết giảm một phần lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du.
Tuy nhiên, trên giác độ của các địa phương, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, các chủ hồ cần đánh giá, cần chủ động lắp đặt trạm quan trắc phục vụ công tác dự báo lượng mưa lũ về hồ chứa. Trong thực tế, hiện nay hầu hết các chủ hồ gần như phó mặc cho các đơn vị khí tượng thủy văn nên việc xả lũ rất bị động, bất ngờ dễ xảy ra những hệ lụy khó lường.
Về phần các địa phương cũng có phương án, rà soát xác định cụ thể các khu vực thuộc địa bàn quản lý có nguy cơ ngập lụt, chia cắt để xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ các hàng hóa thiết yếu cho nhân dân khi có sự cố xảy ra.
Bài và ảnh Nghi Lộc