Chị Phạm Thị Thu Châu cho biết, hai vợ chồng chị kinh doanh quán ăn tại quận 6, TPHCM. Do muốn đầu tư, mở rộng quán ăn hiện có nên chị đã vay 300 triệu đồng tại PVCombank với lãi suất 9% mỗi năm.
Để sinh lời trên khoản vay, phải biết tính toán “kín kẽ”, tránh rủi ro |
Tuy nhiên, bất ngờ chồng chị có quyết định công tác xa nhà một năm, trong khi cửa hàng kinh doanh cũng khó khăn hơn, lượng khách ít đi do không thể cạnh tranh với nhiều quán mới khang trang. Vì thế, chị dự định đóng cửa quán luôn để về xin đi làm trở lại. Với số tiền 300 triệu đã vay kia, chị muốn sử dụng để đầu tư chứng khoán hoặc mua đất vùng ven chờ thời.
Cũng giống như chị Châu, chị Vũ Thị Thảo (TPHCM) vừa rồi vay được 100 triệu đồng với lãi suất 7,5%/năm bằng hình thức thấu chi tại SeABank. Mục đích vay ban đầu của chị Thảo là để sửa chữa, mua sắm một số vật dụng trong nhà nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chị quyết định dùng tiền đó làm việc khác. Chị gửi lại một phần tiền vào NH để lấy lãi, phần còn lại chị cho người nhà vay. Chị Thảo tự tin về kế hoạch của mình vì cho rằng, số tiền chị cho người nhà vay dù chỉ một phần nhưng dư để trả tiền lãi vay NH.
Thực tế, chuyện mong muốn dùng “tiền đẻ ra tiền” là tâm lý chung của nhiều người. Nhưng để có thể sinh lời trên khoản vay, người vay phải biết cách tính toán cho “kín kẽ” để không gặp phải rủi ro.
Cụ thể, theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính, đối với người đi vay, tính lãi suất luôn là bài toán khó mà mọi người không thể bỏ qua khi mà ngân hàng đang áp dụng rất nhiều các hình thức tính lãi khác nhau như lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, tính lãi trên dư nợ giảm dần, lãi vay trả góp đều...
Ở trường hợp của chị Thảo, với lãi suất 7,5%/năm, có thể đây là lãi suất ưu đãi trong một vài tháng đầu chứ không phải lãi suất cố định. Chỉ khi nào vay được với lãi suất cố định thì mới giúp chị tránh được rủi ro khi lãi suất thị trường tăng cao.
Hay ở trường hợp của chị Châu, theo một số chuyên gia, món vay của chị được trả lãi hàng tháng và giữ nguyên nợ gốc. Nếu chị Châu vay theo hình thức trả góp, dư nợ giảm dần thì đây lại là bài toán khó đối với người chưa có nguồn thu ổn định và kế hoạch trả nợ lâu dài.
Nhìn chung, đứng về phía NH, với các khoản vay trung hạn và dài hạn, nếu cứ áp dụng một mức lãi suất cố định thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của khách hàng nếu ngân hàng đặt mức lãi suất quá cao, và sẽ khó có thể lường trước những biến động của thị trường. Vì vậy, các ngân hàng thường áp dụng phương pháp tính lãi suất kết hợp cả lãi suất cố định và lãi suất thả nổi để kết hợp được cả điểm mạnh của cả hai cách tính lãi này.
Với việc ngân hàng tính lãi theo phương pháp này, cách tính lãi vay ngân hàng theo tháng có phức tạp hơn một chút. Trong thời gian ưu đãi lãi suất đầu tiên, khoản vay của người vay sẽ được tính theo lãi suất ưu đãi cố định. Với lãi suất thả nổi, khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi khi lãi suất thị trường giảm, nhưng ngược lại cũng sẽ phải chịu rủi ro khi lãi suất thị trường tăng cao.
Ví dụ, khách hàng muốn vay khoản vay 500 triệu trong khoảng 10 năm. Lãi suất ưu đãi cố định ban đầu ngân hàng dành cho người vay là 7%/năm trong 1 năm đầu tiên, sau đó áp dụng mức lãi suất thả nổi trung bình trên thị trường là 9%/năm. Ngày trả lãi ban đầu là ngày 1/7/2018. Thì số tiền lãi mà người vay phải trả và kế hoạch trả nợ cụ thể như sau: Số tiền trả hàng tháng (kỳ đầu): 7.083.334 đồng. Số tiền trả hàng tháng tối đa: 7.541.667 đồng. Tổng tiền phải trả: 717.333.334 đồng. Tổng lãi phải trả: 217.333.334 đồng.
Nói một cách đơn giản, người vay muốn dùng số tiền vay từ NH đi kinh doanh kiếm lời thì trước hết phải tính được lãi suất hàng tháng phải trả bao nhiêu, và biết cách tính lãi suất ở một số gói vay một cách chính xác nhất. Sau đó mới có thể ước tính được nên làm gì với số tiền vay để sinh lời. Thêm nữa, người vay cũng cần cân nhắc những quy tắc vay mà NH đưa ra để tránh những rủi ro có thể về sau.
Triều Anh