Chị Phương Thanh, 37 tuổi (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong điện thoại của chị hiện đang cài tới 3 app ví điện tử gồm Moca để sử dụng dịch vụ xe công nghệ Grab, đặt thức ăn; ví MoMo để xem phim và trả tiền điện, bảo hiểm, mua đồ...
“Tôi mới tải thêm ZaloPay và VinID Pay để trả tiền điện và nước vì tiền điện hay báo của Zalo và tôi cũng tiện thanh toán khi đi siêu thị Vinmart”, chị Thanh lý giải. Cũng theo chị Thanh, mỗi ứng dụng ví điện tử đều có những ưu điểm cùng chương trình khuyến mại riêng.
Ví điện tử hỗ trợ khách hàng giao dịch nhiều lĩnh vực |
Thống kê bởi Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm.
Việt Nam cũng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động năm 2018 ở Đông Nam Á. Dự báo giá trị giao dịch thanh toán điện tử tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên 12,3 tỷ USD vào năm 2022.
Cuộc đua khốc liệt
Khoảng ba năm trở lại đây, với chức năng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam, sân chơi ví điện tử đang diễn ra một cuộc đua khốc liệt, thu hút khá nhiều tên tuổi trong và ngoài nước như AirPay, Moca, Payoo, WePay (VCCorp), Zalo Pay (VNG), ViettelPay (Viettel)…
Đầu năm 2019, thị trường đón nhận thêm “tân binh” MoMo với mức tăng trưởng tương đối ấn tượng. Chỉ riêng MoMo, số lượng ví đến nay tăng hơn 2 triệu so với cuối năm 2018, lên hơn 12 triệu ví và dẫn đầu về số lượng trên thị trường hiện nay.
|
Ngân hàng Nhà nước vừa cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho Công ty cổ phần Giải trí di động (ME CORP) như dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ ví điện tử. Sau khi mua lại Monpay của Công ty cổ phần People Care, Công ty cổ phần VinID PAY đã được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với dịch vụ được cấp phép là ví điện tử. Sự xuất hiện của VinID theo đánh giá của các chuyên gia, có thể thay đổi cục diện thị trường, bởi phía sau VinID là Tập đoàn Vingroup với hệ sinh thái khách hàng khá lớn ở nhiều lĩnh vực như mua sắm, y tế, ẩm thực, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng…
Mới đây, Lazada cũng tiết lộ đã chính thức tham gia ví điện tử. Trao đổi về bước đi này, theo đại diện Lazada Việt Nam, dự án ví điện tử nằm trong chiến lược nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho người dùng; bao gồm tập trung đầu tư vào công nghệ, logistics… và cuối cùng là kế hoạch hợp tác với các ngân hàng, các đơn vị phát hành thẻ để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao tính an toàn cho các giao dịch mua sắm.
An toàn, độ bảo mật cao
Các chuyên gia tài chính nhận định, sử dụng ví điện tử có tính bảo mật và độ an toàn cao. Lý do các ví điện tử hiện nay như MoMo đều sử dụng công nghệ Tokenization là một quy trình bảo mật tự động mã hóa số thẻ của khách hàng thành Token (những dãy ký tự đặc biệt). Thay vì lưu trữ số thẻ thì hệ thống chỉ lưu trữ các Token trong các giao dịch sau này.
Nếu xảy ra lỗ hổng dữ liệu, kẻ gian sẽ không thể truy cập được vào dữ liệu thẻ thật sự, bởi những mã Token được lưu trong hệ thống sẽ không có giá trị đối với tất cả mọi người ngoại trừ đơn vị thanh toán hợp pháp. Nhờ đó, thanh toán bằng ví điện tử sẽ không còn nguy cơ lộ thông tin.
Chuyên gia Alex Johnson từ tổ chức tư vấn tài chính Mercator Advisory Group chia sẻ 5 lý do khiến ví điện tử an toàn. Ví như mất điện thoại, lộ mật khẩu cũng không thể thanh toán do các ví điện tử hiện nay tích hợp sinh trắc vân tay, nhiều tầng bảo mật; không lo lộ thông tin thẻ bởi toàn bộ thông tin thẻ trên ví được mã hóa; không lo mất thẻ vì khi tích hợp trên điện thoại người dùng có thể để thẻ tại nhà.
Hà An