Ngân hàng Standard Chartered vừa ra mắt một loạt các giải pháp tài trợ thương mại bền vững tại châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Âu và châu Mỹ. Giải pháp tài trợ thương mại bền vững mới của ngân hàng được thiết kế để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng các phương thức hoạt động bền vững hơn trong toàn bộ hệ sinh thái của họ cũng như xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.
Các giải pháp này tích hợp Bộ nguyên tắc cho vay bền vững của Hiệp hội Thị trường cho vay (LMA) vào khuôn khổ tài trợ thương mại của Standard Chartered, qua đó khuyến khích khách hàng cải thiện tính minh bạch trong công bố thông tin, báo cáo và cách sử dụng các nguồn tài nguyên, đồng thời đáp ứng các mục tiêu về Môi trường (Environmental), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance).
Trọng tâm ban đầu sẽ tập trung vào các khía cạnh Tài trợ chuỗi cung ứng, Cho vay dựa trên hóa đơn, Bao thanh toán, Bảo lãnh và Thư tín dụng. Danh mục các sản phẩm sẽ được mở rộng thêm trong thời gian tới. Các sản phẩm này sẽ giúp các hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu - ước đạt 19 tỷ USD theo Tổ chức Thương mại Thế giới - trở nên bền vững hơn.
Các giải pháp tài trợ thương mại mới này sẽ giúp ngân hàng mang đến những sự hỗ trợ cho: Các loại hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn bền vững; Các nhà cung cấp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững; Các đối tượng cuối cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ bền vững; Các ngành công nghiệp trong quá trình chuyển đổi và giảm thiểu lượng phát thải carbon.
“Bộ sản phẩm và giải pháp tài trợ thương mại bền vững của chúng tôi sẽ hỗ trợ khách hàng xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Đây cũng là một phần trong mục tiêu của chúng tôi là nhằm góp phần xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu bền vững và thu hút được sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội và nền kinh tế”, ông Simon Cooper, Giám Đốc toàn cầu, Khối Khách hàng Thương mại, Doanh nghiệp và Định chế Tài chính, kiêm Tổng Giám Đốc khu vực châu Âu và châu Mỹ của Standard Chartered, chia sẻ.
Trong khi đó theo bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Standard Chartered Việt Nam, để thúc đẩy hoạt động tài trợ bền vững, cần xem xét lại các phương án để có thể cung cấp tài chính cho những lĩnh vực nơi mà nguồn vốn này có thể mang đến những tác động tích cực nhất.
“Thông qua hoạt động tài trợ thương mại, chúng tôi có thể tiếp cận đa dạng các đối tượng trong chuỗi cung ứng phức tạp, từ đó thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng trong dài hạn. Tôi rất hào hứng và kỳ vọng vào các cơ hội tại Việt Nam, một thị trường đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một trong những nền kinh tế mở nhất trong ASEAN”, bà Michele Wee cho biết.
Một số sáng kiến tài trợ thương mại bền vững của Standard Chartered đã mang lại các tác động tích cực có thể kể tới như: Giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng bền vững cho một nhà sản xuất đồ thể thao quốc tế, dựa trên kết quả của các sáng kiến phát triển bền vững và ESG để thúc đẩy các mô hình bền vững trong chuỗi cung ứng; Tài trợ hóa đơn mua hàng cho một công ty sản xuất xe điện; Bảo lãnh và các giải pháp tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; Hỗ trợ việc nhập khẩu các dụng cụ bảo hộ cá nhân thông qua việc cấp vốn dưa trên hóa đơn mua hàng trong khuôn khổ của gói tài chính trị giá 1 tỷ USD nhằm đẩy lùi Covid-19 mà Standard Chartered triển khai từ tháng 3/2020…ĐP