Tái cấu trúc kinh tế TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển công nghệ cao

10:46 | 06/04/2012

TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển như thế nào, theo hướng nào đang được các nhà khoa học và Viện nghiên cứu phát triển thành phố lập Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế. Bên cạnh các tiêu chí khác thì theo ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, đó là thành phố phải là một trung tâm khoa học công nghệ lớn. Đây cũng là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của ông với Thời báo Ngân hàng.

Chủ trương tái cấu trúc của TP. Hồ Chí Minh được triển khai như thế nào, thưa ông?

UBND thành phố đã và đang làm rất nhiều việc để tái cơ cấu nền kinh tế. Về mặt lý luận chúng tôi đang có một đề án thật cụ thể, chi tiết như đưa ra các đề án, các chương trình, các dự án… và đang thực hiện lấy ý kiến cùng với triển khai thực tế. Còn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang thực hiện tại một số huyện của thành phố.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã làm việc với toàn thể các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và yêu cầu các doanh nghiệp này phải xây dựng chương trình tái cấu trúc riêng của mình, trong cả hệ thống và của cả các công ty trực thuộc… trong đó việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm, và điều quan trọng nhất là phải có chương trình ứng dụng phát triển khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Về chính sách hỗ trợ, thành phố không phân biệt là doanh nghiệp trong hay ngoài nhà nước, còn đối với các DNNN thì UBND thành phố có quyền đặc biệt về xử lý hay yêu cầu các doanh nghiệp về những vấn đề phải làm riêng của mình, nhưng họ cũng phải làm theo những chủ trương chung của thành phố để tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Vậy sẽ có những khó khăn nào chúng ta gặp phải trong lộ trình tái cấu trúc của thành phố, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất là phải đánh giá được hiện trạng của thị trường hiện nay là gì, của doanh nghiệp là gì, khó khăn chung là gì, khó khăn riêng là gì? Khó khăn chung quan trọng hơn, còn khó khăn riêng thì chính quyền tập trung tháo gỡ cho từng doanh nghiệp, tuy tốn nhiều sức, nhưng chính quyền vẫn tổ chức các buổi đối thoại với các doanh nghiệp một cách thường xuyên thời gian qua và trong tới đây nữa. Trong các khó khăn, cái gì chính quyền có thể giải quyết được thì chính quyền trực tiếp làm, trong đó sẽ tạo môi trường chính sách chung thuận lợi và sẽ phải làm trong thời gian dài.


Một góc TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: St)

Ông đánh giá thế nào về Đề án hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, trong đó đang thử nghiệm tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS)?

Thực ra thành phố đã yêu cầu CNS tự lên chương trình tái cấu trúc của mình, bởi đây là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn. Thứ nữa là quyết tâm của lãnh đạo cao và họ đang có đầu tư những ngành nghề mới là ngành trọng điểm của thành phố như: sản xuất chip điện tử, cơ khí sản xuất khuôn mẫu… là những ngành hết sức cần thiết cho phát triển công nghệ cao.

Ngoài ra, thành phố vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển một cách lành mạnh trên thị trường, còn phát triển theo hướng nào tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.

Trong các tiêu chí phát triển: nhân lực, công nghệ cao... thì thành phố chọn tiêu chí nào để tạo sự khác biệt và xem như đó là một định hướng dẫn dắt sự phát triển trong tương lai của thành phố?

Tiêu chí khác biệt chắc chắn là thành phố sẽ đi lên từ khoa học công nghệ cao, nếu thành phố không chọn thì thị trường cũng chọn. Vì không phát triển khoa học - công nghệ thì các doanh nghiệp chỉ có những lao động giản đơn, sản phẩm giản đơn, mà ở một thành phố lớn thì không thể chỉ phát triển giản đơn như vậy. Ngoài ra, với các khu, cụm công nghiệp đòi hỏi phải có lao động trình độ sản xuất cao, đó là tất yếu và cũng là sự cạnh tranh để phát triển ở môi trường lớn như TP. Hồ Chí Minh.

Với thực tế hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam mà đòi hỏi phát triển khoa học công nghệ cao liệu có quá sức đối với họ?

Vì đây là mục tiêu lớn nên thành phố phải làm được và tham gia cùng với doanh nghiệp. Chúng tôi thấy doanh nghiệp cũng đang làm và làm được vì muốn phát triển chắc chắn họ phải phát triển theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ cao, nếu không thì sẽ không cạnh tranh được. Nhất là khi các doanh nghiệp đang có lợi thế lớn là nguồn nhân lực về khoa học và trình độ công nghệ cao chủ yếu tập trung ở thành phố. Theo tôi, đây là điểm khác biệt của doanh nghiệp thành phố, nếu không tận dụng được ưu thế đó thì khó phát triển nhanh và mạnh. Nhiệm vụ của chính quyền thành phố là phát huy được lợi thế đó.

Vậy những hoạt động hỗ trợ cụ thể của chính quyền thành phố về ứng dụng phát triển khoa học - công nghệ trong doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

Chính quyền thành phố đang làm nhiều dự án hỗ trợ cho việc này, chẳng hạn xây dựng những khu công nghệ cao, công nghiệp phần mềm, và gây dựng các quỹ phát triển về khoa học - công nghệ rất nhiều, ngoài quỹ chung của thành phố, còn những quỹ riêng của từng doanh nghiệp mà luật cho phép trích 10% từ lợi nhuận trước thuế để phát triển khoa học - công nghệ trong từng doanh nghiệp. Một doanh nghiệp không thể hoạt động hiệu quả nếu không dùng hệ thống máy tính. Hiện đối với các DNNN, thành phố yêu cầu họ phải thành lập quỹ này, còn doanh nghiệp tư nhân đang khuyến khích. Hiện Quỹ Hỗ trợ phát triển Khoa học công nghệ của thành phố đang có 25 tỷ đồng, nếu so với một doanh nghiệp lớn lợi nhuận 100 tỷ đồng, thì 10 tỷ đồng trích vào quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp sẽ thành một con số rất lớn cho việc đầu tư phát triển khoa học - công nghệ của từng doanh nghiệp hòa vào mục tiêu chung của thành phố. Đây là một công nhiều việc khi nó giúp doanh nghiệp vừa đổi mới được công nghệ, vừa tăng năng suất, tăng chất lượng và tính cạnh tranh cho sản phẩm… Vì những mục tiêu này việc phát triển khoa học - công nghệ là lợi ích không thể không làm.

Xin cảm ơn ông!

Tuệ Minh thực hiện

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều