Tài chính tiêu dùng nội: Đi sau liệu có về trước?

10:31 | 08/07/2016

Trước mật độ bao phủ dày đặc của các CTTC ngoại, các CTTC nội phải xây dựng được những sản phẩm mang tính khác biệt, hoặc tiếp cận với những phân khúc khách hàng đặc thù, thì mới có thể đi sau về trước được.

Công ty tài chính đa dạng hóa kênh huy động vốn, cách nào?
Tìm hiểu về điểm tín dụng khi đi vay tại công ty tài chính
Tài chính tiêu dùng: Đất màu vẫn cần vun xới

Với hàng loạt các cuộc sáp nhập, mua lại các công ty tài chính (CTTC), cũng như dày đặc các lượt ra vào tìm kiếm đối tác của các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường tín dụng tiêu dùng đã ghi nhận sự vươn lên đầy tham vọng của khối nội. Tuy nhiên, do đẩy mạnh mảng dịch vụ này muộn hơn, các CTTC nội sẽ đối mặt với không ít thách thức để có thể vươn lên cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần.

tai chinh tieu dung noi di sau lieu co ve truoc
Thị trường tài chính tiêu dùng còn đầy tiềm năng, nhưng cũng cạnh tranh khốc liệt

17 “người” cùng cày một “ruộng”

Trong số 17 CTTC hiện nay, các CTTC tiêu dùng ngoại đang tỏ ra lấn lướt về thị phần. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của thị trường này vẫn còn rất lớn, đem lại cơ hội cho tất cả các DN.

Theo thống kê của Stockplus, hiện mới chỉ có 18,5 triệu người sử dụng tài khoản NH và có tới hơn 54 triệu người chưa từng mở tài khoản tại bất kỳ NH nào. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Hơn một nửa dân số Việt Nam có độ tuổi dưới 30, tương đương 47 triệu người và đặc điểm của nhóm dân số trẻ này là sự năng động, ưa thích công nghệ và có nhu cầu chi tiêu cao…

Tất cả những dữ kiện trên đều là những nhân tố thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng trong những năm tới. Nhưng dù chỉ có một số tổ chức đã thực sự tham gia thị trường này và vẫn còn nhiều dư địa, nhưng các công ty đi sau sẽ gặp phải những trở ngại nhất định, buộc phải có những chiến lược và định hướng đúng đắn thì mới có thể đạt những bước tiến vượt trội.

Bởi các CTTC tiêu dùng hiện tại đã có vị thế vững chắc trên thị trường. Khách hàng đều đã có những định hình nhất định về sản phẩm và dịch vụ của những công ty này. Ví dụ như, công ty chuyên về cho vay tiền mặt là công ty nào, chuyên về cho vay phương tiện đi lại là công ty nào, chuyên về cho vay đồ gia dụng là công ty nào… Những ngầm định này có thể sẽ trở thành những lực cản vô hình khiến cho các CTTC nội khó khăn hơn để định vị thị trường.

Các CTTC ngoại đã rất thành công trong việc tích lũy và làm giàu cơ sở khách hàng, do họ đã hiện diện từ lâu trên thị trường. Đến nay, một số công ty đã có số lượng khách hàng lên tới con số hàng triệu. Để đạt được bước tiến này, việc quyết định mô hình bán hàng và cung cấp dịch vụ là rất quan trọng.

Một số công ty đặt chiến lược chiếm lĩnh thị trường trong những năm đầu nhằm làm dày thêm cơ sở khách hàng, từ đó tạo nền tảng để tiến hành bán chéo sản phẩm (cross-sell) cho những năm tiếp theo nhằm khai thác tối đa lợi nhuận từ khách hàng. Yếu tố quyết định thành công là việc mua, phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng một cách hiệu quả.

Tìm lối để đi sau, về trước

Các CTTC ngoại còn có mạng lưới POS rộng khắp với số lượng đã lên tới hàng nghìn, bao phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Điển hình như Home Credit hay HD Saison, mỗi công ty đã lắp đặt khoảng 5.000 POS (theo số liệu đăng tải trên website của các công ty này) và đây cũng chính là một trong những yếu tố quyết định thành công của họ trong việc chiếm lĩnh thị phần cho vay mua xe máy và cho vay mua đồ gia dụng.

Trong khi đó với CTTC nội, từ trước đến nay hầu hết hoạt động chủ yếu ở mảng tài chính tổng hợp, phục vụ cho chính các tập đoàn mẹ, gần đây một số công ty đã được tái cơ cấu và định hướng chuyển đổi sang tài chính tiêu dùng. Với những công ty này, dù tham gia thị trường muộn hơn nhưng nếu có những hướng đi ưu việt trong phương thức tiếp cận khách hàng thì vẫn có thể có những dịch chuyển đáng kể.

Hơn nữa, trước mật độ bao phủ dày đặc của các CTTC ngoại, các CTTC nội phải xây dựng được những sản phẩm mang tính khác biệt, hoặc tiếp cận với những phân khúc khách hàng đặc thù, thì mới có thể đi sau về trước được.

Đơn cử như tại một cửa hàng Thế giới Di động, hiện tại đã có POS của FE Credit, HomeCredit và HD Saison, nếu một công ty mới muốn thành công trong việc chào mời và tiếp cận khách hàng, ít nhất sản phẩm phải đủ sức hấp dẫn để thu hút khách hàng. Việc này đòi hỏi các công ty phải nhanh nhạy trước xu hướng thị trường, đồng thời phải có khả năng khai thác dữ liệu khách hàng để nắm bắt hiệu quả hành vi khách hàng.

Bên cạnh đó, để có thể cạnh tranh với các CTTC ngoại, các CTTC nội (mà hầu hết hiện nay là công ty con của các NHTM) nên tận dụng nguồn lực hiện có của các NH mẹ để nâng cao tiềm lực cũng như nhận diện trên thị trường. Cần phải nâng cao tính minh bạch và rõ ràng trong hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm đảm bảo duy trì uy tín và hình ảnh vì lợi ích khách hàng, từ đó giúp ngày càng nâng cao vị thế trên thị trường.

Xét về góc độ công nghệ, các CTTC tiêu dùng ngoại, do được kế thừa nền công nghệ tân tiến hiện đại từ công ty mẹ hoặc từ các thị trường phát triển khác, nên hầu hết các hoạt động đều được tự động hóa cao. Do vậy, thời gian xử lý khoản vay của các công ty này thường rất nhanh trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu về quản trị rủi ro.

Cụ thể như, Home Credit mỗi ngày xử lý 5.000 yêu cầu cho vay, với thời gian cho mỗi yêu cầu chỉ trong vòng 10-15 phút mà vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn tín dụng. Có thể nói, với xu thế công nghệ số lên ngôi, việc bắt tay với các công ty fintech - chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tài chính - là một chiến lược nên được các CTTC nội cân nhắc. Đây có thể xem là con đường hiệu quả nhất để tiếp cận với tầng lớp dân số trẻ, ưa thích sử dụng công nghệ trong các hoạt động chi tiêu mua sắm.

Nói vậy để thấy rằng, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn rất tiềm năng và cởi mở cho những người đến sau. Nhưng để có thể xoay chuyển được vị thế thì cần có nhiều bước đi chiến lược và đột phá.

Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam

Tin đọc nhiều