Tái cơ cấu DNNN: Không thể chậm trễ

10:19 | 05/04/2012

Mặc dù nhận được khá nhiều sự "ưu ái" của Nhà nước cũng như đang nắm giữ khá nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, thế nhưng hiệu quả hoạt động cũng như những đóng góp của khối DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cho nền kinh tế rất kém. Đó là những lý do khiến vấn đề tái cơ cấu DNNN đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Ảnh: sưu tầm
Đầu tư ngoài ngành khiến các DNNN bị phân tán nguồn lực, giảm hiệu quả hoạt động. (Ảnh: St)

Hiệu quả kém

Theo trong giai đoạn 2006 - 2010, khối DNNN chiếm  tới  45%  tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhưng chỉ đóng góp 28% cho GDP và 19% vào tăng trưởng GDP. Trong khi vốn đầu tư của  dân doanh chỉ chiếm khoảng 26% nhưng đã đóng góp tới 46% cho GDP và tăng trưởng GDP. Như vậy hệ số  ICOR (hệ số sử dụng vốn) ở khối DNNN luôn thường xuyên cao hơn 2-3 lần khối dân doanh.

Không những vậy, mặc dù vấn đề việc làm là vô cùng quan trọng với một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ như Việt Nam, thế nhưng đóng góp vào tạo ra việc làm mới của DNNN giai đoạn 2006-2010 lại giảm tới 13%; trong khi doanh nghiệp dân doanh tạo ra đến 85% việc làm mới. Đóng góp của khối DNNN cho ngân sách so với các thành phần kinh tế khác cũng rất kiêm tốn, giai đoạn 2006-2010 chỉ là 17,6%.

Đặc biệt, mặc dù Việt Nam đặt mục tiêu đến 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Thế  nhưng, nhìn lại nỗ lực "công nghiệp hóa" của khối DNNN là khá buồn. Theo đó, giai đoạn 2006-2010,  đóng góp cho tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực DNNN giảm chỉ còn 22,5%, trong khi khối dân doanh tăng 43%.

Chưa hết, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều hoạt động đa ngành mà không tập trung vào  lĩnh vực hính. Thậm chí còn đầu tư vào những lĩnh vực đòi hỏi có chuyên môn sâu như: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... Thực trạng này chẳng những không làm tăng hiệu quả hoạt động mà còn đẩy các tập đoàn, tổng công ty đứng trước những nguy cơ rủi ro rất lớn.

Nếu như vào năm 2005 khi chúng ta bắt đầu có các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên thì tỷ lệ nợ/vốn  chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty chỉ là 2,6 lần, thì đến 2010 đã tăng lên tới 3,2 lần, trong khi với các công ty sản xuất nếu tỷ lệ này ở trên mức 3 lần là mức báo động. Tỷ lệ nợ tính theo % GDP của các tập đoàn nhà nước cũng đã tăng từ 21% năm 2005 lên gần 37% vào năm 2010.

Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)  trung bình của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 16,5%, tương đương với lãi suất cho vay thương mại  phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên đến 80% lợi nhuận của tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước tập trung chủ yếu ở 4-5 tập đoàn lớn như  Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Than-khoáng sản (TKV), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và nếu loại trừ các tập đoàn này thì còn lại hơn 90% số còn lại chỉ chiếm 20% lợi nhuận.

Bức  tranh  toàn  cảnh  của  các DNNN thời gian qua đã cho thấy sự  yếu kém của khối doanh nghiệp này. Và để trở thành  lực lượng dẫn dắt thị trường, dẫn dắt nền kinh tế đúng như mục tiêu đã được Đảng, Nhà nước  đặt ra, không còn cách nào khác phải tái cấu trúc lại khối DNNN.

Tái cấu trúc như thế nào?

Theo ông Vũ Thành Tự Anh - chuyên gia kinh tế, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, vấn đề đầu tiên phải xác định lại vai trò của khối doanh nghiệp này và thay đổi quan điểm của Nhà nước về cách điều hành nền kinh tế. Vì nền kinh tế Việt Nam 20 năm qua đãthay đổi cơ bản về chất, nếu như vào những năm 1990 nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đóng cửa, phụ thuộc chủ yếu vào DNNN, nhưng đến nay nền kinh tế Việt Nam đã khác, mở rộng cửa hội nhập, vai trò của khu vực dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ngày càng được nâng cao, và quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam đã khác. Khi nền kinh tế đã thay đổi thì hệ điều hành của các công cụ điều tiết vĩ mô - đó là các DNNN. Chẳng hạn, EVN phải có trách nhiệm bình ổn giá điện và Nhà nước phải có trách nhiệm trợ cấp cho doanh nghiệp này, năm 2011 là 22.000 tỷ đồng để bù lỗ giá. Rõ ràng cái giá để sử dụng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như là một công cụ để điều tiết vĩ mô rất lớn. Tuy nhiên đó còn chưa tính đến việc khi sử dụng các tập đoàn để thực hiện điều tiết vĩ mô hoặc chính sách xã hội còn tạo ra một loạt méo mó về mặt lợi ích. Cụ thể, khi các tập đoàn này thất bại lập tức họ đổ lỗi cho việc phải thực hiện chính sách bình ổn, an sinh xã hội... Do vậy, khi muốn áp đặt một kỷ luật nào đó cho một DNNN là vô cùng khó và phải chấp nhận một thực tế là kém hiệu quả kéo dài. Vì vậy, để các DNNN hoạt động hiệu quả, cần phải tách bạch được chức năng bình ổn thị trường, an sinh xã hội ra khỏi chức năng kinh doanh.

Một vấn đề nữa, nếu chúng ta bóp méo giá (trợ giá), chẳng hạn chúng ta không cho EVN tăng giá điện thì chúng ta đã chuyển cơ cấu kinh tế Việt Nam theo một hướng thâm dụng điện, sử dụng điện lãng phí trong khi không tạo ra động cơ cho các nhà đầu tư khác đầu tư vào ngành điện...

Thứ  ba, tái cơ cấu phải dựa vào cạnh tranh và giá thị trường. Về mặt cạnh tranh, trong thời gian qua, VNPT và Viettel cùng là 2 công ty Nhà nước nhưng vì phải cạnh tranh nên chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ, mức   độ bao phủ đều tốt hơn rất nhiều. Như vậy, nếu như chúng ta chưa thực sự muốn thay đổi sự sở hữu của các TĐKTNN thì Nhà nước vẫn có thể làm được một điều để cải thiện hiệu quả của họ, đó là buộc họ phải sử dụng cơ chế thị trường và phải đối diện với cạnh tranh.

Cuối cùng là tăng cường kỷ cương của Nhà nước, đó là chấm dứt trợ cấp và thu hồi độc quyền và giảm độc quyền và nâng cao điều tiết của Nhà nước. Và đặc biệt là phải cải cách hệ thống quản trị của các DNNN và  tính minh bạch trong trách nhiệm tài chính.

Quang Anh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều