Tái cơ cấu dưới góc nhìn nhân sự

13:49 | 03/10/2014

Liên quan đến sự cần thiết của việc phát triển, quản lý và giữ chân nhân tài tại các ngân hàng trong bối cảnh tái cơ cấu (TCC) hiện nay, Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc Điều hành Công ty Tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh


Nhìn nhận của bà về sự cần thiết của việc phát triển, quản lý và giữ chân nhân tài tại các ngân hàng trong bối cảnh TCC hiện nay? Và theo bà, việc dẫn dắt, gắn kết được đội ngũ vượt qua giai đoạn TCC có dễ dàng?

TCC một doanh nghiệp (DN) là việc các DN thay đổi một, một vài hoặc toàn diện về cơ cấu tổ chức, nguồn vốn, tài sản, tư duy quản lý, cách thức điều hành, tầm nhìn chiến lược… từ đó giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn và có tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Quá trình TCC khá phức tạp và việc quản lý, giữ chân nhân tài trong suốt quá trình TCC đó là rất cần thiết và rất quan trọng. Tất nhiên, TCC bao gồm cả việc tuyển nhân sự mới, sắp xếp lại nhân sự. Tuy nhiên, những nhân sự mà DN xác định là “nhân tài” thì nên gìn giữ phát triển và những nhân tài đó nên là một phần và tham gia vào quá trình TCC của DN.

Dựa trên kinh nghiệm của bản thân khi phải thay đổi trong kinh doanh (một dạng TCC quy mô nhỏ) thì việc dẫn dắt, gắn kết đội ngũ vượt qua giai đoạn TCC là không dễ dàng. Làm thế nào để toàn đội ngũ hiểu được lý do tại sao phải TCC, để họ có cái nhìn xa hơn, để đội ngũ đặt lợi ích của DN lên lợi ích cá nhân… luôn là những thách thức.

Có một số ý kiến cho rằng, nhân sự ngành tài chính ngân hàng đang ở trong vòng xoáy cắt giảm, và dường như sự biến động nhân sự ở một số tổ chức tài chính, ngân hàng đang diễn ra mạnh hơn so với các ngành khác?

Điều này chỉ là một phần của câu chuyện. Câu chuyện ở đây là các NHTM đang trải qua quá trình TCC. Trong quá trình đó, có những nơi sẽ có cắt giảm nhưng có những chỗ lại cần tuyển thêm.

Tôi lấy ví dụ: nếu một ngân hàng đã phát triển quá nóng trong những năm qua, mở ra rất nhiều chi nhánh và phòng giao dịch và cũng tuyển rất nhiều nhân sự. Trong quá trình TCC, ngân hàng đó thấy rằng không nên phát triển dàn trải và chỉ nên tập trung vào một số thị trường lớn, một số mảng kinh doanh nhất định. Ngân hàng đó quyết định đóng cửa một số phòng giao dịch, hoặc cắt giảm nhân sự ở một số bộ phận. Tuy nhiên, cũng chính ngân hàng đó lại cần tuyển nhân sự ở một số bộ phận khác mà nhân sự hiện tại không đáp ứng được.

Bất kỳ một quá trình TCC nào cũng sẽ dẫn đến thay đổi về nhân sự. Các ngành khác cũng vậy. Nhưng có lẽ, nhiều ngân hàng TCC cùng một lúc và ngành Ngân hàng là xương sống của nền kinh tế nên mới nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội như vậy.

Dư luận gần đây có nói đến trường hợp một số nhân viên ngân hàng bị cho nghỉ việc hoặc thuyên chuyển công tác vì bị áp các chỉ tiêu về doanh số và định mức quá lớn mà họ rất khó đạt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Ý kiến của bà về vấn đề này?

Tôi không biết được toàn bộ câu chuyện nên không thể có ý kiến nhiều về vấn đề này. Các ngân hàng đều biết rằng, họ cần phải gìn giữ nhân sự và khi đưa ra chỉ tiêu, họ sẽ đưa ra những chỉ tiêu và định mức SMART (cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, phù hợp với thực tế và có thời gian cụ thể).

Chỉ có như thế, các ngân hàng mới gìn giữ, phát triển và thu hút được nhân sự. Có những chỉ tiêu về doanh số rất cao nhưng nhân viên khác vẫn đạt được kể cả kinh tế khó khăn thì đó không phải là chỉ tiêu không tưởng. Thực ra, nhân viên thì bao giờ cũng “đàm phán” để có một mức chỉ tiêu “dễ thở” trong khi công ty thì bao giờ cũng muốn nhân viên thể hiện được hết năng lực có thể. Điều này là hoàn toàn bình thường.

Vậy theo bà, đâu là nhũng yếu tố mấu chốt để giữ chân và phát huy nhân tài mà tổ chức mình đang có cũng như thu hút nhân tài mới?

Mấu chốt để giữ chân nhân tài cũng như thu hút nhân tài mới cho tất cả các ngành, không riêng gì ngân hàng, vẫn là những điều cơ bản: DN phải xây dựng cho mình được một “thương hiệu” tuyển dụng tốt, được thị trường biết đến là một nơi làm việc tốt, có chính sách đào tạo và phát triển nhân viên, có đội ngũ lãnh đạo tốt và có chính sách lương bổng, phúc lợi tốt.

Trong quá trình TCC, rất quan trọng là DN cần có chiến lược truyền thông nội bộ tốt, để người lao động hiểu được mục đích và quá trình. Và quan trọng hơn là để người lao động cùng tham gia vào quá trình TCC để họ “sở hữu” quá trình này.

Dự báo về xu hướng nhân sự ngành Ngân hàng thời gian tới?

Theo tôi, quá trình TCC vẫn tiếp diễn và các ngân hàng vẫn tuyển dụng nhân sự, đặc biệt nhân sự trung/cao cấp. Theo báo cáo của chúng tôi trong quý I và quý II vừa qua, ngành tài chính ngân hàng vẫn luôn đứng trong Top 3 các ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao nhiêu nhất.

Xin cảm ơn bà!

Đỗ Lê

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều