Việc mua tài sản thanh lý ngân hàng trở thành cơ hội đầu tư tốt cho người dân. |
Chia sẻ tại một hội thảo diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay khi tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, khu vực sản xuất thu hẹp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm, trong khi doanh nghiệp giải thể tăng lên. Điều này khiến "cục máu đông" nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế...
Chính vì vậy, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Để hoạt động này có được kết quả, các ngân hàng buộc lòng thực hiện quyền thanh lý tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu.
Trước hết, để khách hàng có nhu cầu mua tài sản thanh lý, ngay trên website của mình, các ngân hàng hoặc các công ty xử lý nợ của các ngân hàng đã thiết lập mục “thanh lý tài sản thế chấp”, “phát mại tài sản”, “thu giữ/bán đấu giá tài sản”… nằm ngay giao diện chính để người quan tâm dễ thấy, dễ truy cập. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khi thanh lý tài sản còn cam kết hỗ trợ vay đến 80% giá trị tài sản mua, giá bán ưu đãi hoặc thương lượng.
Trên thực tế, “săn” mua tài sản thanh lý ngân hàng còn là một kênh đầu tư của không ít người. Anh Nguyễn Duy Tuấn (TP. Hà Nội) - người vừa mua một chiếc xe Mercedes E300 2017 với giá 1,2 tỷ đồng là tải sản thanh lý từ một ngân hàng - cho rằng giá này rẻ hơn so với dòng xe cùng loại trên thị trường khoảng 600 triệu đồng, thủ tục mua bán cũng không quá phức tạp. Kể từ thời điểm anh quyết định mua, thời gian chuyển nhượng tài sản đến khi chuyển nhượng sổ và bàn giao chỉ khoảng hơn 10 ngày.
Dẫu vậy, vẫn có một số người dân có nhu cầu mua tài sản thế chấp do ngân hàng thanh lý vẫn còn tỏ ra băn khoăn. Bà Võ Thị Út (TP. Cần Thơ) cho biết vừa chuyển về quê sau nhiều năm làm ăn xa nên có nhu cầu mua một mảnh đất nhỏ để xây nhà ở. Qua tìm hiểu, bà thấy một ngân hàng thông báo bán đấu giá thanh lý tài sản thế chấp là một lô đất 200 m2 có giá gần 2 tỷ đồng, vị trí và điều kiện sống xung quanh khá thuận lợi. Mặc dù rất thích mảnh đất này nhưng người thân của bà khuyên rằng tài sản thanh lý của ngân hàng khó mua, thủ tục phức tạp, có thể xảy ra tranh chấp... khiến bà chần chừ ra quyết định tham gia đấu giá.
Thừa nhận có định kiến xã hội về tài sản thanh lý của ngân hàng như nêu trên, song chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng trên thực tế, ưu điểm khi mua tài sản thế chấp của ngân hàng là về cơ bản giấy tờ đầy đủ và thủ tục pháp lý rất chặt chẽ do đã qua nhiều bước xác minh từ bộ phận tín dụng và thẩm định, qua cơ quan công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo, được xác nhận tài sản không trong diện tranh chấp, không vướng quy hoạch, pháp lý đầy đủ… Giá bán của tài sản thế chấp do ngân hàng thanh lý cũng phù hợp theo giá thị trường.
Giải thích kỹ hơn về ưu điểm này, đại diện một ngân hàng cho biết trước khi bán thanh lý tài sản, ngân hàng sẽ sử dụng mức giá do bên thứ ba là đơn vị định giá độc lập làm căn cứ để đưa ra mức giá bán; trình tự, thủ tục mua bán tài sản thế chấp cũng được công khai, minh bạch nên người dân không cần lo lắng bị “cò” đẩy giá. Ngoài ra, người dân có nhu cầu sẽ được nhân viên của ngân hàng tư vấn kỹ hơn để hạn chế tối đa các rủi ro có thể phát sinh.
Thậm chí, chính vì mua tài sản ngân hàng thanh lý không chỉ giảm được rui ro pháp lý, giao dịch thuận tiện mà ngân hàng còn giúp khách hàng sở hữu được tài sản "giá hời" nên bị một số đối tượng mượn danh để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo đó, các đối tượng tự lập các tài khoản mạng xã hội lấy ảnh bìa, ảnh đại diện của ngân hàng đăng tải nhiều bài viết quảng cáo thanh lý tài sản thế chấp với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Mới đây, một nạn nhân tại Hà Nội, cho biết anh được giới thiệu mua một chiếc ô tô trị giá 1,4 tỷ đồng là tài sản thanh lý từ một ngân hàng uy tín. Vì tin tài sản trên là của ngân hàng thanh lý nên đã đặt cọc 60 triệu đồng cho đối tượng môi giới. Đến ngày hẹn làm hợp đồng, anh liên lạc với đối tượng trên không được, anh liên hệ với ngân hàng để xác minh thông tin thì mới biết mình bị lừa.
Hiện nay, tất cả các tài sản thanh lý từ ngân hàng chủ yếu thông qua kênh bán đấu giá hoặc bán trực tiếp, có thủ tục, hồ sơ minh bạch, rõ ràng; thông tin liên quan đến tài sản thanh lý sẽ được ngân hàng kiểm soát chặt chẽ về tính pháp lý và xác định lại giá trước khi chính thức đưa rao bán. Do đó, khi bắt gặp các thông tin quảng cáo chào bán tài sản thanh lý của ngân hàng, người dân cần xác minh lại thông tin, đừng vì ham rẻ mà "tiền mất tật mang".
Hương Giang