Tạm nhập tái xuất: Vấn đề là ở khâu quản lý

12:48 | 29/03/2012

Hình thức tạm nhập tái xuất (TN-TX) hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng ích lợi nó mang lại thì ít, mà "phiền toái" thì nhiều. Song, liệu có nên cấm hẳn hoạt động kinh doanh này?

Lợi ít...

Theo Quyết định 1311/1998/QĐ-BTM của bộ Thương mại ban hành ngày 31/10/1998, TN-TX là việc thương nhân Việt Nam mua hàng của một nước để bán cho một nước khác, có làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam. Ngoài ra, theo Nghị định 12/2006/NĐ- CP, hàng TN-TX phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Như vậy để thấy hàng TN- TX khác với hàng gia công, chế biến ở chỗ doanh nghiệp chỉ đơn thuần hưởng phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán mà không có bất kỳ tác động nào để thay đổi sản phẩm. Không có giá trị gia tăng, đồng nghĩa với việc lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng không thể cao. Ngoài ra, hàng TN-TX khi xuất đi không phải đóng thuế xuất khẩu, đồng thời được hoàn thuế nhập khẩu và miễn thuế giá trị gia tăng. Vì vậy có thể thấy ngân sách Nhà nước cũng không thu được nhiều lợi ích từ hoạt động này, ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngân sách Nhà nước không thu được nhiều từ hàng TN-TX.
(Ảnh: Thục Trinh)

...hại nhiều

Tại Hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2012 do Ban chỉ đạo 127/TW tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, vấn đề doanh nghiệp TN-TX lợi dụng việc không phải nộp thuế để buôn lậu đã làm dấy lên một cuộc bàn thảo sôi nổi. Bộ Công an cho rằng nhiều mặt hàng chỉ "tạm nhập" nhưng lại không thật sự "tái xuất", trà trộn vào thị trường nội địa gây thất thu cho Nhà nước, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị hoặc sự chênh lệch với giá cả nước ngoài lớn như xăng dầu, thuốc lá, rượu ngoại... Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trong một lần họp với các bộ ngành chức năng cũng đã thừa nhận rằng "việc lợi dụng hoạt động kinh doanh TN-TX để đưa rượu, thuốc lá nhập lậu vào thị trường nội địa là không tránh khỏi".

Không những thế, tuy đã có nhiều quy định về hàng TN-TX, song các chuyên gia cho rằng việc kiểm tra, giám sát các lô hàng này tại cửa khẩu hải quan vẫn còn lỏng lẻo. Chính vì thế, rất nhiều trong số những lô hàng TN- TX thẩm lậu vào Việt Nam là những mặt hàng có hại cho môi trường hoặc cho sức khỏe con người. Điển hình, tháng 9/2011, hai lô hàng với tổng cộng trên 100 tấn chân gà đã phân hủy được phát hiện nhập khẩu vào Việt Nam qua cảng Hải Phòng dưới hình thức TN-TX. Thực tế cho thấy do không có sự áp tải của cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển nên một khi đã ra khỏi kho ngoại quan để lên đường "xuất khẩu", các mặt hàng này rất dễ bị thẩm lậu vào thị trường trong nước.

Mặt khác, thực tế, không phải lúc nào các mặt hàng bị buộc tái xuất về nơi xuất khẩu hoặc về nước thứ ba cũng dễ dàng thực hiện được, bởi vì doanh nghiệp có khi không tìm được thị trường để tái xuất, hoặc thậm chí... tuyên bố phá sản giữa chừng. Hay có nhiều trường hợp khi doanh nghiệp tái xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, song do Chính phủ Trung Quốc quản lý chặt nên hàng hóa bị... lưu lại tại Việt Nam. Khi đó, không hững gây ra ách tắc hàng hóa, tác động xấu đến môi trường, mà một khi không tái xuất được thì phía Việt Nam chính là đối tượng phải chịu chi phí kho bãi và tiêu hủy những mặt hàng này.

Bất cập ở khâu quản lý

Được biết, cuối năm ngoái Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề xuất xóa bỏ hẳn hình thức TN-TX, mà trước mắt là đề nghị chấm dứt cấp phép TN-TX đối với các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá... và các mặt hàng phế liệu, phế thải. Song kiến nghị này cũng gây ra lo lắng cho các địa phương khi mất một nguồn thu và nhất là các doanh nghiệp mất đi một loại hình kinh doanh tương đối dễ dàng.

Vẫn biết TN-TX không sản xuất ra hàng hóa, không tạo thêm nhiều việc làm và thực tế số tiền đóng góp cho ngân sách Nhà nước cũng không nhiều, song về lý mà nói, bản thân việc TN-TX không có gì xấu. Bởi nếu được kiểm soát chặt chẽ nó cũng như nhiều hoạt động kinh doanh khác, tức là hưởng chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra. Không những thế, TN-TX còn cần thiết trong một số trường hợp, chẳng hạn như nhập hàng phục vụ cho các sự kiện quốc tế mà Việt Nam là một trong nhiều điểm đến; thiết bị chuyên ngành phục vụ cho các chuyên gia đến nghiên cứu, hàng mẫu hoặc các phương tiện giao thông phục vụ du lịch xuyên quốc gia...

Hiện bộ khung các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề TN-TX tại Việt Nam được cho là khá đầy đủ; có cả những quy định cụ thể đối với các mặt hàng đặc thù, song vấn đề vẫn là quá trình thực hiện các quy định này. Điều quan trọng nhất trong kiểm soát TN-TX là tuân thủ đúng quy trình về thủ tục, giấy tờ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ bản chất và chất lượng mặt hàng tạm nhập. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc số hóa dữ liệu hải quan và áp dụng thủ tục hải quan điện tử một cách rộng rãi cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc quản lý TN-TX. Học tập từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, TN- TX vẫn được cho phép ở nhiều quốc gia phát triển. Chính vì vậy, cân nhắc những điểm lợi và hại, thiết nghĩ sẽ vẫn có cách để các cơ quan chức năng cho phép hoạt động kinh doanh này một cách hiệu quả nếu không muốn đi theo lối mòn "cấm khi không quản được".

Lương Kim

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều