Chị Phạm Thị Tâm ở TP. Hồ Chí Minh những ngày này nhận được rất nhiều điệu thoại, tin nhắn quảng cáo mời chào mua sắm ưu đãi qua thẻ. Thanh toán bằng MasterCard NamA Bank hiện được hoàn tiền 1% trên tổng doanh số, giảm giá 80% nếu thanh toán bằng thẻ HSBC, Sacombank chi tiêu càng nhiều lì xì càng lớn. Mua sắm trên mạng ở trang lazada mỗi hóa đơn 500.000 đồng khi thanh toán bằng thẻ Techcombank Visa sẽ được giảm ngay 100.000 đồng…
Ảnh minh họa |
Tết là khoảng thời gian cao điểm và quan trọng nhất trong năm đối với phần lớn các loại hình kinh doanh, khi người tiêu dùng “xả ga” mua sắm. Nắm bắt xu hướng đó, NH triển khai nhiều chương trình khuyến mãi qua thẻ để khuyến khích người dùng. Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân của Techcombank cho biết, người tiêu dùng bị nhiều áp lực về tiền mặt cuối năm, nên chuyện mua sắm vì thế cũng bị ảnh hưởng. Do đó, NH triển khai nhiều chương trình dành riêng cho chủ thẻ tín dụng trong dịp Tết Nguyên đán.
“Thông qua phát hành thẻ, nhiều NH đang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khá tốt. Lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng hiện đang cạnh tranh hơn với lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính”, vị lãnh đạo NH chia sẻ.
Cho vay tiêu dùng qua thẻ đang được các NH quy mô nhỏ tập trung vào khách hàng cá nhân, một số NH còn mở rộng cho vay qua thẻ vào khu vực DNNVV. Đơn cử SeABank mở nhiều dịch vụ cho vay DNNVV, Eximbank có thẻ Visa cho doanh nhân, tín nhiệm tín dụng càng cao thì hạn mức NH cấp cho thẻ càng lớn.
Theo đó, DN có thể phân bổ hạn mức tín dụng được cấp này cho các thành viên trong DN, trong các hoạt động như ban lãnh đạo DN tiếp khách hay giao dịch với các đối tác. Các nhân viên kiểm soát chi tiêu và thanh toán phù hợp trong các chuyến công tác xa, bộ phận hành chính, thủ quỹ mua sắm cho DN có các chứng từ thanh toán qua thẻ Visa doanh nhân, đảm bảo trong công tác hạch toán kế toán của DN. Ngoài ra, người sử dụng Visa doanh nhân của Eximbank còn có thể giao dịch bằng nhiều loại ngoại tệ khác nhau và thanh toán lại cho NH bằng tiền đồng.
Có thể thấy, mảng tín dụng tiêu dùng qua thẻ đang được các NH phát triển mạnh cả vào khu vực DN và cá nhân, dịch vụ cho vay cũng đa dạng hơn trước. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyên rằng, việc chi tiêu qua thẻ vẫn còn có nhiều hạn chế. Trước hết, để tiếp cận được vốn tiêu dùng lãi suất ưu đãi của NH, không phải cá nhân nào cũng có thể đáp ứng được. Đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp, công nhân sẽ rất khó tiếp cận được vì họ không đủ điều kiện mở thẻ. Bởi thủ tục mở thẻ của NH hiện vẫn còn khá phức tạp.
Ngoài ra, đối với những người có điều kiện thì không thận trọng sẽ bị thiệt hại không đáng có. Ví dụ, hàng tháng chủ thẻ chỉ trực tiếp thanh toán tối thiểu bằng 4 - 5% số tiền đã chi tiêu, hoặc thanh toán toàn bộ nhưng thiếu 1.000 đồng thì vẫn bị tính lãi chậm trả trên tổng số dư nợ ban đầu.
Chưa kể, bất lợi của thẻ tín dụng còn ở các loại phí, bao gồm phí thường niên khoảng 350 - 500 nghìn đồng/năm, phí rút tiền mặt, phí chậm thanh toán, phí vượt hạn mức tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ. Thậm chí, có cửa hàng đến nay vẫn tính thêm phụ phí 1 - 3% trên giá trị thanh toán khi khách muốn quẹt thẻ. Ngoài ra, khi dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại các máy ATM, chủ thẻ sẽ bị NH tính phí trên số tiền đó với tỷ lệ 3 - 5%, tuỳ theo thương hiệu thẻ và nơi rút tiền. Số tiền này còn bị tính lãi vay theo lãi suất NH công bố kể từ ngày rút tiền đến ngày thanh toán hết nợ, khoảng 20 - 24% mỗi năm.
Điều quan trọng nữa mà các tư vấn viên không nhắc đến đó là thời gian tính lãi suất. Thông thường, người tiêu dùng hiểu một cách đơn giản rằng NH sẽ không tính lãi suất trong 45 ngày tính từ thời điểm mua hàng. Thực tế, lãi suất chốt từ ngày 22 - 25 hàng tháng (tùy từng NH). Theo đó, nếu người mua hàng không biết, mua vào ngày 15 thì đến ngày 22 đã bị chốt lịch tính lãi suất vào đợt chốt kế tiếp đó luôn chứ không phải 45 ngày như nhiều khách hàng vẫn nghĩ…
Kim