Tăng cơ hội hợp tác Việt Nam - Na Uy về khí thiên nhiên hóa lỏng

09:00 | 06/11/2019

Cơ hội đang mở ra với các công ty Na Uy tìm kiếm đối tác, phát triển các giải pháp và công nghệ tiên tiến cho ngành LNG tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, thiếu hụt điện năng sẽ xảy ra từ năm 2019 tới 2025, tập trung ở các năm 2020 - 2023, với sản lượng thiếu hụt từ 1,5 tỷ kWh tới 5 tỷ kWh, các năm còn lại có thể thiếu từ 100 triệu tới 500 triệu kWh. Khu vực có nguy cơ thiếu hụt điện năng tập trung tại miền Nam, dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Thực trạng trên dẫn đến tình trạng nguồn điện dự phòng còn 20-30% trong các năm 2015-2016. Giai đoạn 2018-2019, hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.

tang co hoi hop tac viet nam na uy ve khi thien nhien hoa long
Tàu vận chuyển và lưu trữ LNG (FSRUs) khá thích hợp với thị trường Việt Nam

Việc gia tăng nhanh chóng các nhà máy điện mặt trời, điện gió được hy vọng sẽ bù đắp phần nào khoảng trống thiếu hụt điện. Song, trên thực tế, điện mặt trời đã phát triển nhưng giá vẫn còn cao (khoảng 2.100 đồng/kWh). Giá điện gió (khoảng 1.900-2.200 đồng/kWh) cũng là khá cao, chưa tính đến đầu tư bộ lưu trữ điện. Trong khi đó, điện hạt nhân đã dừng đầu tư. Trong khi đó, các nguồn tài nguyên truyền thống như thủy điện, than, dầu khí thì, thủy điện hầu như đã được khai thác hết và không ổn định.

Do vậy, phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là xu hướng tất yếu của Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn nhiên liệu cho phát điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Chính phủ Việt Nam đã đề ra các chính sách tăng cường sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo cho phát triển kinh tế, đặc biệt là cho sản xuất điện. Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Việt Nam cần phải nhập khẩu LNG từ năm 2022 và nhu cầu LNG sẽ tăng lên khoảng 5 triệu tấn LNG cho tới năm 2025, khoảng 10 triệu tấn tới năm 2030, 15 triệu tấn vào năm 2035.

Ông Lê Hải Đăng, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025 - 2030 Việt Nam sẽ cần xây mới các nhà máy điện khí LNG với tổng công suất từ 15.000 - 19.000 MW để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước. Trong khi đó, theo dự báo, sau năm 2020, nguồn cung khí của Việt Nam sẽ giảm do dự trữ khí trong nước giảm và do việc chậm triển khai các mỏ khí mới. Chính vì vậy, cần nhập khẩu thêm LNG để bổ sung nhiên liệu cho các nhà máy điện ở khu vực phía Nam.

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam đến năm 2025, định hướng tới năm 2035 dự báo giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1 - 4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm, tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm sau đó. Khoảng 75% lượng LNG nhập khẩu sẽ được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện để đảm bảo an ninh cho ngành kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Vì thế, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực LNG hợp tác với nhau.

Trong bối cảnh đó, thì các DN Na Uy đang nổi lên là các đối tác hàng đầu. Na Uy và Việt Nam là hai nước có đường bờ biển dài và diện tích tương đương nhau. Cả hai đều có ngành công nghiệp dầu khí. Tuy nhiên, trong khi Na Uy là nước xuất khẩu thuần năng lượng thì Việt Nam đang có xu hướng nhập khẩu thuần năng lượng. Vì thế, cơ hội đang mở ra với các công ty Na Uy tìm kiếm đối tác, phát triển các giải pháp và công nghệ tiên tiến cho ngành LNG tại Việt Nam.

Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhấn mạnh, điện gió, điện mặt trời và LNG được coi là nhiên liệu sạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh môi trường. LNG được coi là một trong những phương án thay thế tuyệt vời cho các nhà máy nhiệt điện, vì nó giảm ô nhiễm không khí, giảm phát thải khí CO2 và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo để đưa vào mạng lưới điện quốc gia.

Mặt khác, Na Uy được biết đến là quốc gia đi đầu với những giải pháp công nghệ cao và thông minh cho toàn chuỗi cung ứng, từ sản xuất LNG, khí hóa, vận chuyển và sản xuất điện từ LNG. Quan trọng hơn, Na Uy là nước đầu tiên trên thế giới phát triển các trạm LNG nổi, vừa hiệu quả về chi phí, vừa tin cậy về giải pháp và được thi công trong một thời hạn ngắn. Với thế mạnh về LNG với những giải pháp xây dựng tàu quy mô nhỏ để vận chuyển LNG từ trạm tới người dùng cuối trong ngành công nghiệp gồm các nhà máy điện công suất nhỏ, các cơ sở hóa chất, sản xuất phân bón… các công ty Na Uy có rất nhiều kiến thức, chuyên môn, công nghệ trong lĩnh vực này và sẵn sàng chuyển giao cũng như chia sẻ với Việt Nam, bà Grete Lochen khẳng định.

Ông Baptiste Debaene, Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty Hoegh LNG chia sẻ, hiện nay, với công nghệ tàu vận chuyển và lưu trữ LNG (FSRUs) khá thích hợp với thị trường Việt Nam do ứng dụng công nghệ mới, thời gian đầu tư rút ngắn và Việt Nam có thể tiếp cận một cách cạnh tranh. Đây là giải pháp thực tế, linh hoạt, triển khai nhanh.

Ngoài ra, các chuyên gia của Na Uy cũng đề cập tới nhiều giải pháp và công nghệ tiên tiến cho ngành LNG như nhà máy điện LNG nổi, các tàu và thiết bị phân phối LNG quy mô nhỏ, các phương án tài chính khả thi cho dự án LNG… Và mong muốn tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để cùng đầu tư và phát triển. Song song với đó, là các kỳ vọng về việc cải thiện chính sách cho các dự án LNG.

Duy Khánh

Tin đọc nhiều