Tăng cường an ninh thanh toán bằng giải pháp bảo mật thông minh

10:06 | 08/01/2020

Để bảo đảm tính bảo mật, bên cạnh những phương pháp thanh toán trực tuyến truyền thống như nhập thủ công mật khẩu và thông tin thanh toán cho mỗi lần mua sắm, danh tính kỹ thuật số sẽ giúp việc thanh toán trở nên nhanh, dễ dàng và an toàn hơn khi sử dụng máy tính, thiết bị di động, ứng dụng, thiết bị đeo và thiết bị IoT trong tương lai.

Ông Paul Fabara, Tổng Giám đốc Quản lý rủi ro – Visa cho biết, xã hội ngày càng phát triển cùng với thay đổi mạnh mẽ của thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cách tiếp nhận truyền thông và sự phổ biến của điện thoại thông minh, đến sự tăng trưởng của mạng lưới dữ liệu, tất cả đều đang mang lại cho người dùng nhiều trải nghiệm cá nhân hóa và vượt trội hơn. Song bên cạnh đó, chúng cũng đem đến những thách thức liên quan đến rò rỉ dữ liệu và an ninh mạng.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản đề nghị các tổ chức phát hành thẻ, thanh toán thẻ, chuyển mạch thẻ, bù trừ điện tử giao dịch thẻ thực hiện các nội dung triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN, được xây dựng theo hướng tương thích với chuẩn EMV (Viết tắt của Europay, MasterCard, Visa, là ba Tổ chức đã phát triển và thiết lập EMV thành tiêu chuẩn toàn cầu cho các giao dịch tín dụng và ghi nợ dựa trên công nghệ chip).

tang cuong an ninh thanh toan bang giai phap bao mat thong minh
Ảnh minh họa

Đơn cử, để bảo vệ hàng tỷ lượt giao dịch của người tiêu dùng, công ty công nghệ thanh toán kỹ thuật số Visa đã tiên phong trong việc đánh giá rủi ro chống gian lận, mã hóa để đảm bảo an toàn cho các phương thức thanh toán hiện đại. Theo các chuyên gia của Visa, để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong thanh toán kỹ thuật số trong thập kỷ mới với nhiều biến đổi của khoa học kỹ thuật và công nghệ, những công ty, tổ chức tài chính, ngân hàng cần đưa ra các giải pháp phòng tránh rủi ro có thể xảy ra, nhằm đảm bảo an ninh cho hệ thống thanh toán cũng như thông tin và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước hết, đối với vấn đề rò rỉ dữ liệu, cần thúc đẩy áp dụng giải pháp bảo mật thông minh hơn, mạnh mẽ hơn để bảo vệ dữ liệu và quản lý hành vi gian lận. Hiện nay, các tổ chức tài chính, ngân hàng trên thế giới đã nhận thấy sự tăng trưởng đáng kể trong việc áp dụng tokens thanh toán và đặc biệt là giải pháp EMV® 3-D Secure. Hình thức mới này giúp giao dịch được đảm bảo bằng cách loại bỏ quá trình chuyển đổi dữ liệu “thật” khi xử lý thanh toán trong thương mại điện tử và thanh toán di động, mang đến trải nghiệm thanh toán liền mạch và an toàn, nâng cao hiệu quả trong việc đưa ra quyết định, giúp quản lý tốt hơn các hành vi gian lận ở kênh kỹ thuật số.

Theo dự đoán của Visa, trong tương lai gần các điểm chấp nhận thanh toán và tổ chức tài chính sẽ sử dụng danh tính kỹ thuật số để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, từ đó tối đa hóa doanh thu. Để bảo đảm tính bảo mật, bên cạnh những phương pháp thanh toán trực tuyến truyền thống như nhập thủ công mật khẩu và thông tin thanh toán cho mỗi lần mua sắm, danh tính kỹ thuật số sẽ giúp việc thanh toán trở nên nhanh, dễ dàng và an toàn hơn khi sử dụng máy tính, thiết bị di động, ứng dụng, thiết bị đeo và thiết bị IoT trong tương lai. Danh tính kỹ thuật số sẽ chấm dứt việc sử dụng mật khẩu để người tiêu dùng có thể chuyển sang các phương thức xác thực an toàn hơn như nhận diện khuôn mặt, xác thực vân tay hoặc xác thực giọng nói. Đây cũng là lý do để Visa tiếp tục nghiên cứu các sáng kiến thanh toán, từ xác thực thanh toán sinh trắc học cho đến các ứng dụng di động mới như phát hành thẻ kỹ thuật số tại Thế vận hội Olympic và Paralympics Tokyo 2020.

Bên cạnh đó, không chỉ khách hàng thông thường mà nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào tốc độ và sự thuận tiện của các hình thức thanh toán, do đó hình thức điện chuyển tiền (wire transfer) qua ngân hàng và thanh toán séc dần bị thay thế bằng hình thức thanh toán tức thời (instant payments). Tuy nhiên, tốc độ và sự tiện lợi không thể đổi lấy tính bảo mật. Vì giá trị giao dịch thanh toán giữa các mạng thanh toán thời gian thực (RTP) và các ứng dụng ngang hàng (P2P) tăng lên, nên những “lỗ hổng” có thể nhận biết và không thể nhận biết trong các hệ thống cần phải được xử lý nhanh chóng. Tương tự, việc nâng cao năng lực tính toán thông qua máy tính, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiếp tục thúc đẩy các sản phẩm, dịch vụ mới trong thanh toán.

Mặc dù những tiến bộ trong bảo mật thanh toán sẽ giúp giảm thiểu hành vi gian lận, nhưng công nghệ chỉ có thể ngăn chặn gian lận trong một phạm vi nhất định bởi nó vẫn cần được vận hành bởi con người. Vì vậy, những tổ chức tài chính, ngân hàng cần phổ cập và trao cho người dùng những công cụ thiết yếu bởi họ chính là “tuyến phòng thủ” đầu tiên, quan trọng. Và để làm được điều đó, cần phải tăng cường đổi mới, cũng như nhấn mạnh cam kết của các tổ chức đối với vấn đề an ninh, làm nền tảng cho sự phát triển, giải quyết những thách thức trong tương lai, vừa tận dụng được những cơ hội từ xã hội ngày càng “số hóa” hiện nay.

Tuyết Anh

Tin đọc nhiều