Tăng phối hợp, thêm hiệu quả

09:54 | 06/06/2012

Trong khi NHNN đưa ra thông điệp sẽ sớm giảm lãi suất huy động về mức 9%/năm, lãi suất cho vay khoảng 12% - 13%/năm để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế; thì Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ khẩn trương giải ngân vốn ngân sách theo chỉ tiêu đã hoạch định.

Nền kinh tế, nhất là kinh tế thị trường, luôn chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đặc biệt, khi kinh tế thị trường được vận hành trong điều kiện lạm phát cao, gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và ổn định vĩ mô, thì sự phối hợp trong điều hành các chính sách của hai ngành Ngân hàng và Tài chính sẽ có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện mục tiêu chung của nền kinh tế.


Ảnh: BĐT

Nếu nhớ lại những năm từ 2007 đến 2010, sẽ thấy nền kinh tế của chúng ta đã chịu nhiều cú sốc bởi sự bất cập trong điều hành của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Điển hình là khi ngân hàng thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt chống lạm phát cao, thì Tài chính lại vẫn theo đuổi chính sách tài khóa có thể nói là khá cởi mở. Nhức nhối và lạc điệu nhất là chính sách đầu tư công với những động thái cắt giảm thiếu hiệu quả. Có thể nêu ra đây là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội năm 2011 nêu rõ: dù đã cắt giảm 10%, chi ngân sách vẫn vượt 13,8% so với dự toán và tăng 28,58% so với năm 2010, trong đó chi cho đầu tư phát triển vẫn tăng 27,5% so với dự toán. Gánh nặng chống lạm phát dường như dồn hết lên vai chính sách tiền tệ, khiến một trong những hệ quả nặng nề nhất mà nền kinh tế phải chịu là lãi suất tăng cao đã bị duy trì quá lâu.

Nhưng từ ngày 29/2/2012, khi Bộ Tài chính và NHNN ký kết thực hiện “Quy chế về phối hợp công tác và trao đổi thông tin” thì tình hình đã khác. Có thể nhận thấy, kể từ đó chính sách tài khóa được điều hành nhịp nhàng và đồng bộ hơn với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2012, là đưa lạm phát về mức khoảng 8%. Để giảm tổng cầu của nền kinh tế, ngân hàng kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng cung tiền, thì trong 5 tháng đầu năm tài khóa chỉ mới giải ngân 66 ngàn tỷ đồng đầu tư công trong chỉ tiêu dự toán 240 ngàn tỷ đồng (trong đó có 45 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ). Trong thời gian qua, những động thái phối hợp dễ nhận thấy là sự giảm lãi suất điều hành đã nhận được sự đồng hành giảm giá một số mặt hàng đầu vào chiến lược... Hiệu quả to lớn của sự phối hợp đó là lòng tin chính sách của thị trường đã được tạo dựng, cùng với lạm phát thực tế đang giảm sâu, lạm phát kỳ vọng đã giảm hẳn.

Lần giảm lãi suất thứ 3 mới đây của NHNN đang nhận được sự phối hợp của Bộ Tài chính bằng Thông tư số 83/2012/TT-BTC về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đó là một chính sách tài khóa hướng đến mục tiêu ổn định tăng trưởng vĩ mô. Trong khi NHNN đưa ra thông điệp sẽ sớm giảm lãi suất huy động về mức 9%/năm, lãi suất cho vay khoảng 12% - 13%/năm để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế; thì Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ khẩn trương giải ngân vốn ngân sách theo chỉ tiêu đã hoạch định. Các chính sách tiền tệ và tài khóa đó đang hướng cùng vào một mục tiêu tăng tổng cầu, kích hoạt tăng trưởng chống suy giảm kinh tế.

Thị trường có thể thấy Tài chính và Ngân hàng đang nhịp nhàng phối hợp để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, chống suy giảm. Trong cuộc khủng hoảng lạm phát suốt từ năm 2007 đến nay, có không ít doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhưng để thay vào đó là những chủ thể mới. Sự mất mát là có thật, nhưng đó là nỗi đau trưởng thành mà bất cứ nền kinh tế lành mạnh nào cũng phải trải qua...

Ama Linh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều