Kết quả trong cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh của các TCTD quý I/2021 vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) công bố cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều tác động tiêu cực lên hoạt động của Ngành, 78,2% TCTD cho biết lực lượng lao động vẫn được giữ nguyên trong quý IV/2020 hoặc tăng lên so với quý trước và đạt mức cao nhất kể từ kỳ điều tra quý I/2020. Tuy nhiên, tốc độ tuyển thêm lao động đã chậm lại trong quý IV/2020, với 43,9% TCTD cho biết tăng thêm lao động trong quý (thấp hơn tỷ lệ 47,7% của quý trước).
Theo phản ánh của lãnh đạo các ngân hàng cho thấy, các nhà băng hiện nay đã không còn tuyển “ồ ạt” nhân sự như thời gian trước, mà chú trọng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, lựa chọn những nhân sự chất lượng phù hợp với định hướng phát triển trong thời đại số. Ở chiều ngược lại, để hấp dẫn những nhân tài tìm tới, ngân hàng cũng phải có những hoạch định rõ ràng. Mặt khác, ở thời đại công nghệ số dẫn dắt, khi Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy thanh toán số, ngân hàng số thì việc phát huy được tính sáng tạo, tối ưu hoá hiệu quả, năng suất làm việc của con người dựa trên nền tảng công nghệ sẽ tạo tiền đề vững chắc để ngân hàng phát triển.
Cần xây dựng môi trường khuyến khích sự trải nghiệm, sáng tạo, chủ động giải quyết vấn đề |
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank chia sẻ, ngân hàng định hướng đổi mới số từ cấp lãnh đạo, truyền đạt tư duy data-driven (dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập và phân tích được) đến mọi cán bộ, nhân viên; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ, xây dựng văn hoá doanh nghiệp có sự gắn kết cao giữa các thành viên và tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân. Nói thêm về nguồn nhân lực phát triển công nghệ số, TPBank cũng có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo cho hệ thống của mình với các nhân sự chuyên trách, tập trung nguồn lực triển khai nhanh, đồng bộ và quyết liệt các dự án công nghệ số… phối hợp với đối tác công nghệ và những giải pháp hàng đầu để triển khai quyết liệt đổi mới số, tiến tới sáng tạo số trên cấp độ toàn hàng theo định hướng chiến lược của ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên một chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng nhìn nhận: “Thực tế, công nghệ đang thay thế hoặc cải thiện một số phần trong các công việc vốn do con người đảm nhiệm. Không nên tư duy theo chiều hướng khi có máy móc thì sẽ hoàn toàn thay thế được con người. Mà ngược lại, phải làm sao để họ thấy khả năng, tư duy, phương pháp và hiệu quả công việc của họ được nâng cao khi làm việc trong một môi trường có nền tảng công nghệ hỗ trợ. Có thế thì nhân sự của ngân hàng mới giá trị”.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, khi người lao động ngày càng ít làm một công việc đặc trưng mà tham gia nhiều đội dự án, thì họ cần được trao quyền tự đưa ra quyết định nhiều hơn. Bởi thế, cần xây dựng một môi trường văn hoá cởi mở, khuyến khích sự trải nghiệm, sự sáng tạo và sự chủ động giải quyết vấn đề. Và một trong những giải pháp giúp nhân viên ngân hàng hoàn thiện kỹ năng mới là áp dụng công nghệ để tạo ra những trải nghiệm mới, đột phá trong hoạt động đào tạo như các công cụ đào tạo ảo.
Song hành với việc nâng cấp công nghệ để nâng cao năng suất, tối ưu hoá hoạt động, giúp con người tận dụng tối đa thời gian được giải phóng nhờ công nghệ, CEO một NHTMCP cho rằng một trong những câu hỏi đặt ra của các nhà băng là có thật sự phải chuẩn bị cho những thay đổi về lực lượng lao động, hay xem xét lại cách thức quản trị nhân sự truyền thống?
Để xây dựng nguồn lực con người, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số thì phải có một lực lượng lao động có chuyên môn và kỹ năng phù hợp, đi cùng với đó là chuyển đổi mô hình quản trị nhân lực. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng để chuyển đổi được mô hình quản trị rất mất thời gian, rất phức tạp. Nên việc tận dụng nhân sự sẵn có, bồi đắp, bổ sung để phù hợp với yêu cầu công nghệ được xem là khả thi hơn. Như việc nâng cao năng lực, kỹ năng hiện có của một số nhân viên lên một cấp bậc cao hơn, đào tạo họ theo kịp sự thay đổi của công nghệ; hay bố trí lại nhân sự để phát huy tốt nhất sở trường, kỹ năng có sẵn của họ…
Lấy ví dụ về việc các ngân hàng ngày càng chú trọng hơn đến nguồn nhân sự cho chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, chuyên gia chỉ ra thực tế, hiện nay hầu hết các ngân hàng đã và đang xây dựng Trung tâm dịch vụ khách hàng 24/7; trung tâm dịch vụ thẻ; trung tâm thanh toán nhưng rất ít ngân hàng có phòng/ban phụ trách chuyên biệt cho dịch vụ ngân hàng điện tử. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực thanh toán điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, lực lượng còn mỏng và có sự chênh lệch về trình độ giữa nhân sự thành thị và nông thôn. “Nên phương pháp triển khai để làm sao phát huy khả năng sẵn có cũng như khả năng tiềm ẩn của một con người phải phù hợp với thực tế con người, nghiệp vụ cũng như hạ tầng công nghệ thông tin”, vị này cho hay.
Nhìn trong tổng thể, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng nhận thấy, “để duy trì lợi thế cạnh tranh, gia tăng lợi nhuận, các nhà băng không cách gì khác phải đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống nhân sự, đầu tư để nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, xây dựng môi trường làm việc thật sự linh hoạt, sáng tạo và phải có chiến lược quản trị nhân tài phù hợp”.
Khuê Nguyễn