Hơn một thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001, khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001, đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP.
Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng. Nhiều cơ chế chính sách còn bó buộc khiến các điểm đến tiềm năng như Phú Quốc, Phan Thiết... chưa thể phát huy hết nội lực.
Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng nhưng chi tiêu thấp vì chưa có một ngành công nghiệp giải trí để họ rút hầu bao. Kinh tế đêm được đánh giá là "mỏ vàng" của du lịch nhưng các thành phố tại Việt Nam vẫn chưa thể tỏa sáng.
Vậy, làm thế nào để hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường? Minh bạch cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp phát triển du lịch, các giải pháp để phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch trong bối cảnh nguồn nhân lực cho ngành này vừa thiếu lại vừa yếu?... Những vấn đề này đã được các chuyên gia tham dự Hội thảo như TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch... giải đáp ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Tuyết Anh