Techcombank tiếp tục không chia cổ tức

12:57 | 23/04/2022

Ngày 23/04/2022, Ngân hàng TCMP Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank” hoặc “Ngân hàng”) đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông năm 2022 (ĐHĐCĐ). Đại hội đồng Cổ đông đã thông qua các nghị quyết, bao gồm Kế hoạch kinh doanh năm 2022.

techcombank tiep tuc khong chia co tuc

Duy trì “phong độ” tỷ đô

Năm 2021, Ngân hàng ghi nhận 37,1 nghìn tỷ đồng tổng thu nhập (TOI), tăng 35,4% so với 2020, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ từ thu nhập lãi (NII) và thu nhập hoạt động dịch vụ (NFI).

Techcombank là ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” năm 2021, với lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 47,1% so với 2020. Đây là năm thứ năm liên tiếp Techcombank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số. Ngân hàng cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận trong giai đoạn 2016-2021 với mức kỷ lục 50,0%/năm.

Trong năm 2021, tổng sản của Techcombank tăng trưởng 29,4% lên 568,7 nghìn tỷ đồng và dẫn đầu ngành về tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 3,7%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 50,5% vào cuối 2021, cũng thiết lập một kỷ lục khác trong toàn ngành ngân hàng tại Việt Nam. Techcombank cũng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 15,0%, tỷ lệ nợ xấu (NPL) 0,7%, và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLC) là 162,9%, qua đó phản ánh việc quản lý rủi ro thận trọng.

Để hỗ trợ các khách hàng trong thời gian đại dịch, Techcombank đã mở rộng gói hỗ trợ COVID-19, tiến hành cơ cấu gần 11,8 nghìn tỷ đồng dư nợ trong năm 2020 và 2021, đồng thời miễn giảm 540 tỷ đồng lãi suất.

Với sự đồng hành của Ngân hàng, rất nhiều khách hàng gặp khó khăn bởi đại dịch đã có thể thu xếp việc trả nợ, giúp giảm mạnh tổng dư nợ tái cơ cấu xuống 1,9 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021 (tương đương 0,5% tổng dư nợ).

Bên cạnh đó, Techcombank cũng đóng góp khoảng 400 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, bao gồm ủng hộ quỹ vắc xin, xây dựng bệnh viện, trang thiết bị y tế và các khoản hỗ trợ trực tiếp khác cho người bệnh và gia đình của họ.

Không biết còn mơ đến đâu?!

Trong phần thảo luận các câu hỏi của cổ đông tập trung nhiều vào vấn đề chia cổ tức. Phải nhắc lại là 10 năm qua Techcombank chưa chia cổ tức.

Năm 2021, sau khi trích 2.408 tỷ đồng cho các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính và quỹ phúc lợi, lợi nhuận còn lại của năm 2021 là gần 13.394 tỷ đồng. Cộng với hơn 26.743 tỷ đồng chưa sử dụng của các năm trước, Techcombank sẽ có khoản lợi nhuận có thể phân phối lên tới gần 40.137 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng tiếp tục không chia lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Một cổ đông cho rằng, kết quả hoạt động kinh doanh của Techcombank “đẹp như mơ” nhưng trong khi có NHTMCP chia cổ tức khá cao (trên 50%) thì đến nay Techcombank vẫn không chia cổ tức. “Không biết là chúng ta còn muốn mơ đến đâu” – cổ đông này đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, ông Hồ Hùng Anh nói: Trong 29 năm Techcombank luôn nhất quán là củng cố tiềm lực tài chính để phát triển kinh doanh. Cổ đông đặt vấn đề lợi nhuận tốt sao vẫn giữ vốn?. Các cổ đông muốn tăng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng muốn chia cổ tức bằng tiền mặt.

"Chia hay không chia phụ thuộc vào lộ trình phát triển của Techcombank. Tôi cũng là một cổ đông và thấy lợi nhuận của Techcombank trung bình trên 20%/ năm là rất tốt", ông Hồ Hùng Anh chia sẻ..

Việc giữ lại vốn phải mang lại lợi ích cho cổ đông. Nếu lợi nhuận Ngân hàng chỉ 5%/ năm thì tôi cũng đề nghị chia cổ tức. Một vấn đề nữa là khi chia cổ tức bằng cổ phiếu như năm 2018 đã khiến giá cổ phiếu Techcombank giảm. Bản chất giá trị DN không thay đổi nên khi tăng lượng cổ phiếu phát hành thì giá cổ phiếu sẽ giảm.

“Cá nhân tôi chưa nhìn thấy cơ hội cho cổ đông. Vấn đề chúng ta chưa làm được là thị trường chưa định giá đúng giá trị cổ phiếu của Techcombank", ông Hồ Hùng Anh khẳng định và cho rằng, quyết định (chia cổ tức-PV) dựa trên cân nhắc các yếu tố có lợi cho Ngân hàng và cổ đông; đảm bảo sự phát triển bền vững của Ngân hàng. Giá cổ phiếu của Techcombank không lên mạnh như một số ngân hàng khác nhưng sức bền rất tốt.

Về khoản dư nợ đầu tư trái phiếu của Techcombank lên đến 62 ngàn tỷ đồng, ông Hồ Hùng Anh cho biết: Định hướng của Chính phủ là phát triển thị trường vốn cận biên thành thị trường mới nổi. Những sự cố trên thị trường vừa qua chỉ là thiểu số. Do đó, chiến lược đầu tư trái phiếu của Techcombank hiện nay là phù hợp. Hơn nữa đầu tư vào TPDN cũng được chúng tôi quản trị giống như đối với khoản cho vay trung và dài hạn. Song qua việc tư vấn phát hành TPDN ngân hàng giúp DN tận dụng được cơ hội đầu tư và để thị trường vốn là phát triển hơn.

Theo đuổi mục tiêu lớn

Năm 2022, Ngân hàng đặt kế hoạch LNTT 27 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2021. Tín dụng của Ngân hàng được dự kiến tăng 15,0% lên 446,6 nghìn tỷ đồng hoặc cao hơn, trong mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tiền gửi của khách hàng sẽ tăng trưởng phù hợp với tín dụng thực tế khi Ngân hàng tiếp tục phát huy thế mạnh từ việc tối ưu hóa việc quản lý tài sản nợ - có (ALM). Techcombank có kế hoạch duy trì nợ xấu dưới 1,5%.

Techcombank cũng báo cáo việc tăng vốn điều lệ lên 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,18%, với kế hoạch phát hành 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho CBNV.

ĐHĐCĐ cũng nhất trí thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Techcombank, Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT để phù hợp với điều luật mới.

Techcombank tiếp tục theo đuổi mục tiêu đạt vốn hoá 20 tỷ USD vào năm 2025. Tổng giám đốc Techcombank ông Jens Lottner cho biết, với tốc độ tăng trưởng hiện nay của Techcombank thì mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

Phương Anh

Tin đọc nhiều