Nỗi lo nguồn nhân lực chất lượng cao | |
Doanh nghiệp ngoại nhắm đến nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt | |
Đầu tư cho trẻ hôm nay để có nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai |
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM cho biết tại Hội nghị Kinh tế trẻ 2019, khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều quy định và cam kết mới sẽ tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển kinh tế và thương mại, song cũng đặt ra không ít thách thức cần vượt qua.
Thực tế, việc ký kết các FTA song phương và đa phương đã tạo điều kiện cho các DN của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận với thị trường khu vực và toàn cầu, cũng như các nước đối tác thuận lợi hơn. Bởi khi đó, phần lớn các rào cản trong thương mại được cam kết dỡ bỏ, chủ yếu là các hàng rào thuế quan, mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và một triển vọng tươi sáng cho nhiều ngành sản xuất hàng hóa. Xuất khẩu tăng được xem là yếu tố quan trọng để tạo việc làm. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế và tạo ra hàng triệu công ăn việc làm.
Khả năng tiếp nhận công nghệ mới của DN Việt Nam chỉ xếp thứ 122/144 nước |
“Việt Nam được hưởng ưu đãi theo các FTA, lượng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng, thu hút các lao động trí thức, có tay nghề cao từ nước ngoài tới Việt Nam làm việc, các DN cũng có cơ hội tiếp thu với khoa học công nghệ – kỹ thuật tiên tiến từ các nước phát triển. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các nước về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… là công cụ quan trọng cho việc tự do di chuyển lao động có chất lượng, có kỹ năng trên toàn cầu” – ông An nói.
Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, DN Việt cần đầu tư để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư xây dựng hình ảnh, thương hiệu, quảng bá sản phẩm… Đồng thời, hoàn thiện hơn nữa chuỗi sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm từ chất lượng đến giá cả, đảm bảo thời gian, dịch vụ cung ứng. Vì vậy, trước tiên các DN cần chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động. Ngành nào cũng cần có các mô hình phát triển mới, tập trung vào giá trị được tạo ra trong khâu thiết kế, thương mại và công nghệ. Các DN Việt phải xây dựng được đội ngũ nhân lực có kiến thức nền tảng, có khả năng tiếp thu và vận dụng tri thức thành kỹ năng nghề nghiệp để tạo ra những sản phẩm đột phá, nâng cao tính cạnh tranh. Đây chính là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của các DN hiện nay.
Theo xếp hạng của UNIDO, khả năng tiếp nhận công nghệ mới của DN Việt Nam chỉ xếp thứ 122/144 nước được điều tra, trong khi các nước khác trong cùng khu vực Asean có xếp hạng cao hơn nhiều (Singapore 16/144, Malaysia 24/144, Philippines 41/144, Indonesia 42/144, và Thái Lan 55/144). Xếp hạng về mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của Việt Nam cũng chỉ đứng 123/144... Điều đáng quan tâm, tỷ lệ DN sử dụng máy tính và internet để điều hành tác nghiệp chỉ chiếm 36%. Trong khi để làm chủ máy móc, công nghệ thì các DN Việt Nam cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng ở nhóm lao động có trình độ thấp. Đó là chưa kể, bên cạnh các FTA mới, cuộc CMCN 4.0 được đánh giá là sẽ tác động mạnh mẽ đến nguồn việc làm, khi có đến 86% lao động giản đơn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chia sẻ, mặc dù Việt Nam có lợi thế lớn vì có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, tuy nhiên, năng suất lao động chính là điểm yếu của các DN và người lao động Việt Nam. Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt còn rất nhiều hạn chế, trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, việc thiếu hụt lao động có tay nghề cao là khá trầm trọng. Thực tế cho thấy, lao động Việt Nam đang còn nhiều hạn chế về các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kiến thức công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo. Nhiều lao động dù đã qua đào tạo, nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khiến người sử dụng lao động mất thời gian đào tạo lại.
Cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao sẽ diễn ra mạnh mẽ không chỉ trong nước, khu vực mà còn trên bình diện thế giới. Việc mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định. “Theo Ngân hàng Thế giới (WB), sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước Asean của lao động Việt Nam là chưa cao. Trước mắt, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải vượt qua những trở ngại về chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp, thiếu lao động trình độ cao. Ngoài ra, lao động Việt Nam hiện còn đang phải đối mặt với thách thức và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong cuộc CMCN 4.0” – bà Trang phân tích.
Tuyết Thanh