Tham gia FTA với EU: Chuẩn bị kỹ cho cuộc chơi lớn

12:09 | 11/04/2012

Sau một thời gian dài chuẩn bị, ngày 31/3, thỏa thuận khởi động đàm phán khu vực thương mại tự do (FTA) song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht nhất trí bên lề hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh. Câu hỏi đặt ra là, nếu hiệp định này được ký kết, sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Lợi ích từ xuất khẩu

Là một thực thể kinh tế đa dạng với 27 quốc gia thành viên, dân số 500 triệu người và đóng góp đến 30% vào GDP toàn cầu, EU là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. EU là thị trường xuất khẩu thứ 2 và đối tác nhập khẩu đứng thứ 5 của Việt Nam. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai bên đạt 18 tỷ Euro, trong đó riêng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chiếm khoảng 13 tỷ Euro, chủ yếu là các mặt hàng giày dép, may mặc, cà phê, thủy sản và đồ nội thất.

Ảnh: sưu tầm
Thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. (Ảnh: St)

Theo tính toán của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giữa EU và Việt Nam (MUTRAP), nếu chúng ta tham gia FTA, tất cả các diễn biến kinh tế của Việt Nam đều cho kết quả tích cực trong cả hai kịch bản là cắt giảm thuế ngay hay cắt giảm dần dần. Về xuất khẩu, hiện nay mức thuế trung bình của hàng hóa Việt Nam phải chịu khi vào EU là khoảng 4%, song nếu tính theo tỷ trọng thương mại, mức này lên đến 7% do phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều thuộc nhóm bị đánh thuế nhập khẩu cao. Như vậy có thể thấy, một khi thỏa thuận FTA chính thức được thiết lập, hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường EU sẽ được lợi lớn về mặt thuế suất, góp phần làm tăng tính cạnh tranh của hàng Việt Nam tại EU. MUTRAP dự báo sau khi FTA được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng trung bình 4%, trong đó các mặt hàng đang phải chịu thuế cao sẽ tăng đến 6%.

Tính toán đối với cán cân thương mại Việt Nam - EU cũng cho kết quả thặng dư sau FTA, thậm chí lên đến 10.000 tỷ đồng trong giả thuyết Việt Nam cắt giảm ngay 90% thuế suất nhập khẩu. Cải thiện trong thương mại với EU hứa hẹn sẽ bù đắp cho sụt giảm cán cân thương mại giữa Việt Nam với các nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc khi nhập nguyên liệu thô và máy móc để sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu. Nghiên cứu cũng cho thấy biện pháp cắt giảm ngay có tác động lớn đến GDP với kết quả tăng 2,7%/năm, trong khi nếu cắt giảm dần, GDP sẽ bắt đầu tăng từ năm thứ 2 và mức tăng lên đến 3,7% sau 15 năm thực hiện.

Thực hiện FTA với EU khiến thuế suất đối với hàng nhập khẩu từ khu vực này giảm, sẽ tác động làm cho giá nhập khẩu và giá cả nội địa của các mặt hàng nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, dự tính chung thu ngân sách quốc gia vẫn sẽ tăng do phần bội thu từ tăng trưởng trong nhập khẩu sẽ lớn hơn mức giảm nguồn thu do quá trình giảm thuế. Tăng thu ngân sách có thể lên đến 6.305 tỷ đồng sau 15 năm với kịch bản cắt giảm thuế dần dần. Có thể thấy gỡ bỏ các hàng rào thuế quan trong thương mại với EU đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, một phần vì EU là thị trường vô cùng đa dạng và rộng lớn, song mặt khác cũng bởi hàng hóa thế mạnh của mỗi bên vốn mang tính bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh một cách trực tiếp.

Sân chơi lớn, cạnh tranh cao

Song song với những thuận lợi sẽ luôn là những khó khăn và thách thức đi kèm. Việc mở cánh cửa thương mại tự do với EU - một thị trường phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, sẽ dẫn đến việc ngành sản xuất ít nhiều còn non yếu của Việt Nam không còn được bảo vệ và trở nên dễ bị tổn thương hơn trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ châu Âu. Đặc biệt đối với những ngành sản xuất mà EU có thế mạnh như hóa chất, điện tử, máy móc, ô tô... nhiều người quan ngại rằng nhà sản xuất Việt Nam sẽ chưa "đủ lông, đủ cánh" trước khi bị đưa ra sóng to gió lớn, tức là khi hiệp định đi vào thực thi, vì thế nhiều khả năng sẽ "chết từ trong trứng nước".

Thậm chí ngay cả đối với những ngành Việt Nam vốn đang có thế mạnh, một số doanh nghiệp cũng cho rằng chưa chắc FTA đã đem lại lợi ích như kỳ vọng, bởi điều này phụ thuộc rất nhiều vào những tiêu chuẩn được cắt giảm thuế trong hiệp định. Mặt khác, Việt Nam thường nhập máy móc hoặc nguyên liệu thô để sản xuất hàng xuất khẩu. Vì thế rất ít mặt hàng có xuất xứ 100% từ Việt Nam. Do đó, nếu FTA quy định chặt chẽ về xuất xứ đối với mặt hàng được miễn thuế thì chắc chắn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ "mất" nhiều hơn "được".

Không những lo lắng về khả năng cạnh tranh, vấn đề nan giải của Việt Nam khi tham gia FTA với EU còn là sự chênh lệch về trình độ phát triển nói chung. FTA không giống như một hiệp định hợp tác hỗ trợ kinh tế thông thường, cũng không phải một thỏa thuận đa phương như WTO, vì vậy không chỉ quy định về thuế mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, môi trường, luật lao động, vệ sinh dịch tễ... trong khi những vấn đề này tại Việt Nam không dễ có thể cải thiện trong ngày một ngày hai.

Một vấn đề nổi bật trong thương mại với EU thời gian qua, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đó là thuế chống bán phá giá, vốn được các doanh nghiệp rất kỳ vọng sẽ có dấu hiệu cải thiện khi Việt Nam ký FTA với EU. Song các chuyên gia của MUTRAP tỏ ra không mấy lạc quan về việc phía EU sẽ nhượng bộ trong việc dỡ bỏ thuế này. Thậm chí, FTA có thể còn đặt ra các yêu cầu chặt chẽ hơn trong vấn đề bán phá giá, trợ cấp và các công cụ phòng vệ thương mại nói chung. MUTRAP cho rằng, Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi vòng kìm kẹp bán phá giá trong trường hợp EU công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam trước thời hạn WTO đặt ra, mà khả năng này lại rất khó xảy ra.

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, đây đều không phải là những khó khăn mang tính dài hạn, thậm chí có tác dụng là động lực để Việt Nam cải cách ngành sản xuất vốn được bảo hộ trong thời gian dài và nâng cao tính cạnh tranh một cách thực chất. Thực tế qua cuộc khảo sát của MUTRAP với 123 chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp và cán bộ phụ trách kinh tế thương mại của các tổ chức phi chính phủ, có đến 97% ý kiến ủng hộ một khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, cho thấy tiềm năng lớn mà hiệp định này có thể mang lại cho Việt Nam. Song các chuyên gia và doanh nghiệp trong cuộc khảo sát cũng kiến nghị chính phủ cần rà soát và tìm hiểu các bài học kinh nghiệm của các nước đi trước trong việc triển khai FTA với EU nhằm xây dựng phương án đàm phán thích hợp và quan trọng nhất đó là cải tổ nền kinh tế, hoàn thiện cơ sở pháp lý để tận dụng được nhiều nhất những lợi ích từ việc mở cửa thị trường.

Lương Kim

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều