Tháng 4 mua sắm giá rẻ?

14:29 | 18/04/2012

Sức mua giảm tại các chợ cộng với giá gas giảm trong khi thành phố đang đẩy mạnh chương trình bình ổn giá khiến nhiều người tiêu dùng kỳ vọng sẽ được mùa mua sắm giá rẻ từ nay đến dịp lễ lớn 30/4 và 1/5.

Ảnh: MH
Giá thịt lợn giảm mạnh do người tiêu dùng lo ngại về chất tạo nạc.
(Ảnh: MH)

Từ đầu tháng 4/2012 TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và tết Quý Tỵ 2013. Theo bà Lê Ngọc Đào-Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, 4 nhóm mặt hàng tham gia bình ổn thị trường 2012 là lương thực thực phẩm, sữa, dược phẩm và dụng cụ phục vụ học tập. Trong đó, nhóm lương thực thực phẩm thiết yếu gồm 9 mặt hàng (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy sản). Về số lượng, nhóm lương thực, thực phẩm trong tháng thường chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường, tháng Tết chiếm 30%-40% nhu cầu và tăng bình quân 15%-30% so với năm 2011. Nhóm hàng sữa tham gia bình ổn thị trường là sữa bột và sữa nước. Lượng hàng tham gia chiếm 30%-35% nhu cầu thị trường. Nhóm hàng dược phẩm thiết yếu gồm 13 nhóm thuốc sản xuất trong nước, trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, có nhu cầu sử dụng cao (thuốc giảm đau-hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, trị giun, thấp khớp và vitamin). Lượng thuốc bình ổn giá chiếm 50% nhu cầu sử dụng của người dân. Nhóm hàng phục vụ học tập năm học 2012-2013 gồm vở học sinh, cặp-ba lô-túi xách, đồng phục học sinh. Số lượng chiếm 21%-43% nhu cầu của học sinh, tăng 48,9% so với năm trước. Có 49 doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn thị trường, giá hàng hóa bình ổn luôn rẻ hơn giá thị trường 5% - 10%.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu giảm giá từ tháng 4/2012

Bộ Tài Chính vừa ban hành 2 thông tư mới về việc cắt giảm thuế nhập khẩu một loạt các mặt hàng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các khu vực thương mại tự do FTA. Trong đó, Thông tư 20 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Thông tư 21 về biểu thuế nhập khẩu Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 2012-2015 (cùng có hiệu lực từ 1/4/2012). Theo đó, nhiềumặt hàng quần áo, may mặc, điện tử, máy quay phim, thiết bị gia dụng giảm dần từ 13%, 11%, 9% đến năm 2015.

Ghi nhận thực tế hai tuần đầu tháng 4/2012, sức mua tại hầu hết các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đều giảm thấp gần 30%. Hiện nay, hàng loạt siêu thị trên địa bàn thành phố đang tung chiêu bán hàng giảm giá khuyến mãi để giữ khách. Co.opMart chi 60 tỷ đồng khuyến mãi trên toàn hệ thống siêu thị, với trên 1.500 mặt hàng bán giảm giá từ 10%-15%. Citimart giảm giá 5%-10% nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, từ cuối tháng 3/2012 đến nay, thực phẩm giảm giá một phần do người tiêu dùng hạn chế mua bởi lo ngại về an toàn thực phẩm, như thịt lợn. Một số mặt hàng thực phẩm khác cũng giảm nhẹ do nguồn cung cấp dồi dào. Hiện tại thủy hải sản giảm 0,38%, thủy hải sản chế biến giảm 1,71%, các loại đậu hạt giảm 0,09%, rau giảm 4,87%, trái cây giảm 0,53%... Riêng tại các chợ đầu mối lớn như Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn… lượng hàng rau quả, gia vị thịt gia súc, gia cầm… đang về ổn định, giá bán giảm nhẹ do nhiều loại rau, trái cây Nam Bộ đang vào mùa. Riêng giá gạo lẻ ở phân khúc trung bình từ 15.000 đồng/kg trở lại cũng đang giảm nhẹ giá từ 1.000 - 1.500 đồng/kg do lượng gạo từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đưa về thành phố tăng gấp đôi.

Theo dự báo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến dịp lễ 30/4-1/5/2012, với chương trình bình ổn thị trường vừa khởi động, cộng lượng hàng hóa mà doanh nghiệp chuẩn bị bán trong dịp lễ sắp tới tăng hơn 40% ngày thường, thì mua sắm dịp lễ 30/4 - 1/5 sẽ không có sự tăng giảm đột biến về giá, thậm chí có chiều hướng giảm so với những năm trước.

Thanh Trà

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều