Thanh toán biên mậu thúc đẩy hợp tác

08:30 | 24/09/2015

Dịch vụ thanh toán biên mậu của Agribank đã và đang góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Người đi tiên phong

Vào thời điểm năm 1996, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam cho phép các NHTM Việt Nam được hợp tác với các NHTM Trung Quốc thực hiện hoạt động thanh toán phục vụ xuất nhập khẩu qua biên giới bằng bản tệ, Agribank đi tiên phong trở thành NH đầu tiên cũng là duy nhất thực hiện thanh toán biên mậu (TTBM) với quốc gia này.

Việc thực hiện dịch vụ này có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi, tại các cửa khẩu vùng biên là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu thương mại rất sôi động. Nhưng mặt trái của “chợ tiền biên giới” hình thành tự phát là tình trạng chiếm dụng vốn, lừa đảo, trốn thuế, buôn lậu...

Do đó, đưa ra thị trường sản phẩm dịch vụ TTBM, Agribank vừa góp phần hạn chế những mặt trái này, vừa tích cực hỗ trợ khách hàng trong thanh toán, đồng thời thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng tăng trưởng trong nhiều năm…

thanh toan bien mau thuc day hop tac
TTBM vừa hỗ trợ khách hàng trong thanh toán, vừa thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng

Ngay khi thỏa thuận hợp tác TTBM được thiết lập, các phương thức TTBM chính thức được đưa vào thực hiện gồm: Hối phiếu biên mậu; chứng từ chuyển tiền biên mậu và thanh toán qua Internet... đã nhanh chóng khẳng định được vị trí, vai trò trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu qua biên giới.

Không dừng lại ở biên giới Việt - Trung, tận dụng lợi thế mạng lưới hoạt động, đến năm 2006, Agribank tiến hành TTBM với Campuchia thông qua thoả thuận hợp tác với Ngân hàng ACLEDA của nước này.

Ngày 3/6/2008, Agribank tiếp tục ký kết thoả thuận TTBM với Ngân hàng Phongsavanh (Lào) và chính thức triển khai tại chi nhánh Agribank Quảng Trị từ tháng 3/2009. Tại khu vực biên giới giáp Lào và Campuchia, Agribank là NH duy nhất cung cấp dịch vụ TTBM cho khách hàng.

Tiếp đà phát triển, Agribank chính thức ký thỏa thuận hợp tác TTBM với Ngân hàng Nông nghiệp Lào (APB) vào tháng 11/2014. Agribank chi nhánh Quảng Trị được giao làm đầu mối phối hợp cùng APB chi nhánh Savannakhet. Mới đây, ngày 28/8/2015, Agribank và APB chính thức khai trương TTBM giữa hai ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng trong hoạt động thanh toán.

Cụ thể, thực hiện TTBM qua Agribank, khách hàng có thể lựa chọn các phương thức thanh toán đa dạng như hối phiếu ngân hàng; chứng từ chuyển tiền biên mậu; chứng từ thanh toán thương vụ; thư uỷ thác chuyển tiền TTBM; điện chuyển tiền; thư tín dụng chứng từ mậu dịch biên giới; thư bảo lãnh thanh toán mậu dịch biên giới.

Thông qua các tài khoản đối ứng mở tại Agribank và ngân hàng Trung Quốc, Lào, Campuchia, khách hàng có thể sử dụng đồng bản tệ của mỗi nước như VND, CNY (đồng Nhân dân tệ), LAK (Kíp Lào), KHR (Riel Campuchia) để thực hiện thanh toán an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm được nhiều ngoại tệ cho nền kinh tế, nhất là vào những thời điểm cuối năm đồng USD thường khan hiếm, trong khi đó vẫn giữ được tỷ giá trao đổi phù hợp giữa các đồng tiền.

Tiếp tục khẳng định vị trí số một

Xác định vai trò chủ lực tại các tỉnh biên giới, Agribank luôn chú trọng phát triển các sản phẩm tiện ích trên nền tảng công nghệ hiện đại làm sao triển khai hoạt động này một cách hiệu quả nhất.

Từ năm 2007 đến nay, trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, khách hàng có thể sử dụng TTBM qua kênh phân phối hiện đại Internet Banking. Các chi nhánh Agribank vùng biên giới của Việt Nam đã phối hợp với các NHTM lớn nhất Trung Quốc triển khai cung ứng cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ TTBM qua mạng trực tuyến Internet Banking. Khách hàng có thể sử dụng Internet để chuyển tiền, thanh toán, vấn tin tài khoản, mở L/C…

Khi thực hiện TTBM qua Internet Banking, khách hàng tiết kiệm được nhiều thời gian thanh toán, giảm thiểu được rủi ro, quy trình thanh toán được thực hiện chính xác, và đặc biệt tiết kiệm được nhiều chi phí bởi phí dịch vụ rất rẻ.

Đơn cử như khi thực hiện TTBM qua Internet Banking với các đối tác Trung Quốc, khách hàng chỉ cần chờ ở ngân hàng 5 - 10 phút là có thể nhận được tiền của đối tác chuyển qua tài khoản… Hay như đối với dịch vụ TTBM qua Internet Banking với Ngân hàng Phongsavanh, ngân hàng áp dụng những công nghệ bảo mật tiên tiến như tường lửa, ảo hóa kênh truyền, mã hóa số liệu, chữ ký số… đảm bảo an toàn giao dịch thông tin khách hàng.

Hệ thống thanh toán này mang lại bước đột phá trong thanh toán giữa Agribank với các NH đối tác như: thời gian chuyển tiền chỉ còn 5 phút; giao nhận chứng nhận hàng ngày; thuận lợi trong tra soát; dễ dàng mở rộng kết nối tới mọi chi nhánh của hai bên để phục vụ tối đa nhu cầu thanh toán của khách hàng.

Nhờ những tiện ích nổi trội, triển khai sản phẩm hiệu quả nên doanh thu dịch vụ TTBM luôn chiếm ưu thế so với các NHTM khác.

Cụ thể, riêng đối với thị trường Lào, trong giai đoạn 5 năm (2010 đến tháng 6/2015), doanh số TTBM của Agribank đạt được kết quả khích lệ: Doanh số thanh toán đạt trên 1.040 tỷ đồng; doanh số mua bán ngoại tệ đạt trên 637 tỷ đồng. Đến nay, thị phần TTBM của Agribank tại khu vực biên giới Việt – Lào là 100%. Còn đối với thị trường Trung Quốc, doanh số TTBM của Agribank luôn đạt được những con số ấn tượng.

Là NH đầu tiên và duy nhất triển khai TTBM với các nước có chung biên giới, Agribank đã tạo lập và duy trì mối quan hệ bền vững với khách hàng. Qua đó thu hút số lượng lớn khách hàng mở tài khoản tại các chi nhánh trong toàn quốc và xây dựng được thương hiệu của Agribank trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay đang ngày càng có sự cạnh tranh khá gay gắt từ nhiều ngân hàng cùng tham gia TTBM như Vietcombank, VietinBank, BIDV… Để tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu về TTBM, trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có, Agribank xác định các mục tiêu đạt được cụ thể như tiếp tục triển khai TTBM trên Internet Banking với Ngân hàng Phongsavanh và Ngân hàng Nông nghiệp Lào.

Đồng thời Agribank cũng từng bước mở rộng triển khai với các ngân hàng khác tại Lào, Campuchia và Trung Quốc trong năm 2015 nhằm đưa TTBM có chất lượng dịch vụ tốt nhất trên mọi phương diện đến đông đảo khách hàng.

Một điểm tựa vững chắc nữa là với gần 20 năm kinh nghiệm triển khai hoạt động TTBM, cùng hệ thống mạng lưới gồm 2.250 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt tại khắp cả nước, nền tảng công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, thường xuyên được cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ… lãnh đạo Agribank hy vọng, ngân hàng tiếp tục duy trì, giữ vững vị trí hàng đầu về TTBM trong các TCTD.

Đồng thời, qua việc phát triển sản phẩm dịch vụ TTBM, Agribank mong muốn mang đến cho khách hàng dịch vụ thanh toán tốt nhất, hạn chế những mặt trái của hoạt động thanh toán trong xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ tại khu vực biên giới. Dịch vụ TTBM của Agribank đã và đang góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Viết Chung

Tags: #Agribank
Tin đọc nhiều