Thanh toán điện tử: “Quả ngọt” đầu mùa

08:32 | 24/01/2020

Việc phát triển thanh toán điện tử, tiến tới xã hội không tiền mặt sẽ tạo ra lực đẩy đối với nhiều lĩnh vực dịch vụ hiện đại khác trong nền kinh tế...

thanh toan dien tu qua ngot dau mua
Việc ứng dụng thanh toán điện tử sẽ giúp độ phủ của hệ thống phân phối hàng hoá hiện đại nói chung và TMĐT nói riêng được mở rộng

Từ khai phá lợi thế thị trường…

Đầu giờ sáng một ngày Chủ nhật, tại cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), chị Phạm Hoàng Lan nhanh chóng lia điện thoại qua bảng mã QR code tại quầy thu ngân, nhập số tiền, sau đó đợi điện thoại nhận diện khuôn mặt và hoàn tất thanh toán hoá đơn trong chưa đầy 30 giây. Khệ nệ xách 2 túi thực phẩm, chị Lan nhanh nhẹn rời khỏi quầy để nhường chỗ cho những vị khách đang xếp hàng dài phía sau.

Là khách quen thuộc của cửa hàng này đã hơn 5 năm nay, chị Lan cảm thấy đặc biệt hài lòng kể từ khi cửa hàng trang bị hệ thống quét mã QR code kết nối với ví điện tử ưa thích của chị. Từ đây, việc thanh toán hoá đơn trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết vì cả khách hàng và cửa hàng đều không phải đau đầu tìm tiền lẻ. “Có những ngày tôi ra đường chỉ mang theo điện thoại di động nhưng cũng không thấy có vấn đề gì, vì nhiều cửa hàng, quán ăn, quán cafe… đều có thanh toán bằng QR code cả rồi. Bây giờ mà gửi xe, ăn sáng… cũng quét mã được, thì chắc tôi chẳng cần mang theo tiền mặt, đỡ lo quên ví hay mất tiền”, chị Lan vui vẻ cho biết.

Những khách hàng trẻ luôn hào hứng cập nhật các xu hướng công nghệ mới như chị Lan, đang góp phần đẩy nhanh sự tăng trưởng của dịch vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng. Nhờ đó, trong năm 2019 Việt Nam đã lọt vào nhóm đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử. Theo số liệu thống kê của NHNN, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã tăng gần 20% về số lượng và hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị giao dịch bình quân cũng tăng lên theo từng tháng và đạt 374.000 tỷ đồng/ngày tính chung trong 9 tháng.

Tuy nhiên những con số này lại chưa phản ánh nhiều về quy mô của thị trường thanh toán điện tử liên ngân hàng. Bởi tuy tăng trưởng nhanh, song do xuất phát từ nền tương đối thấp, nên nhìn chung thanh toán điện tử vẫn đang “lép vế” so với tiền mặt. Hiện nay tiền mặt vẫn giành thế áp đảo trên thị trường, chiếm ít nhất là 90% các giao dịch. Điểm hạn chế khác là các mảng dịch vụ phát triển không đồng đều, chủ yếu tập trung vào tính năng, ứng dụng đơn giản và ở mức cơ bản như chuyển tiền, thanh toán một số dịch vụ hàng ngày. Ngay cả trong các giao dịch mua bán trực tuyến thì thanh toán bằng tiền mặt theo hình thức giao hàng – trả tiền vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trở thành rào cản với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) nhận định, thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch trực tuyến vẫn chiếm tới 80% số lượng và giá trị giao dịch. Ông Hưng tỏ ra sốt ruột vì tuy thị trường thanh toán điện tử tăng trưởng nhanh, song vẫn chưa đạt như kỳ vọng của các DN trong lĩnh vực TMĐT. Trong khi thanh toán điện tử chính là lực đẩy lớn nhất để TMĐT phát triển nhanh và bền vững theo đúng chiến lược mà các đơn vị trong ngành này đã đặt ra.

Còn nhớ giai đoạn 2014-2015 khi TMĐT mới manh nha hình thành, các thành viên VECOM dự đoán quy mô của thị trường sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên đến năm 2019, con số này đã lên tới 12 tỷ USD, nhờ tốc độ tăng trưởng thị trường của Việt Nam từ suốt năm 2016 đến nay luôn thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự đoán năm 2020 với tốc độ tăng trưởng 40%, quy mô thị trường sẽ chạm ngưỡng 15-16 tỷ USD; và tới năm 2025 đạt khoảng 43 tỷ USD.

“Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó, chúng tôi kỳ vọng có thể tăng tốc được tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt. Vấn đề này là rất quan trọng, vì đó là điều kiện đủ để TMĐT phát triển”, ông Hưng quả quyết.

… đến hành trình thay đổi thói quen, tâm lý

Việt Nam đang đứng trước thời cơ thuận lợi để phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại, mặc dù ngay trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta đang ở sau các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore… trong cuộc đua thanh toán điện tử liên ngân hàng. Thời gian vừa qua, Việt Nam tăng tốc rất nhanh nhờ lợi thế dân số trẻ và đông. Song ở một góc nhìn khác, khoảng cách giữa các vùng miền còn nhiều chênh lệch lại khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa thể khai thác được lợi thế quy mô của thị trường trong nước.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương đặt nhiều hy vọng vào việc ứng dụng thanh toán điện tử sẽ giúp độ phủ của hệ thống phân phối hàng hoá hiện đại nói chung và TMĐT nói riêng được mở rộng. Đặc biệt ở những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, người dân chưa có tài khoản ngân hàng, thì hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng chính là cánh tay nối dài để dần phổ cập các dịch vụ tài chính hiện đại.

Ông Hải phân tích, cản trở lớn nhất đối với sự bứt tốc của kênh bán lẻ hiện đại cũng như TMĐT chính là khoảng cách giữa Hà Nội, TP.HCM với các địa phương còn lại. Hiện 2 thành phố này chiếm tỷ trọng 70% của thị trường TMĐT. Các DN trong ngành này kỳ vọng đến năm 2025, 2 thành phố đầu tàu sẽ chỉ chiếm 50%, còn lại là các thành phố khác. Nhưng mục tiêu đó chỉ đạt được khi các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển cực kỳ nhanh để lan đến địa bàn nông thôn, các địa phương vùng sâu, vùng xa... “Nếu chúng ta không phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt thì việc phát triển TMĐT sẽ không còn ý nghĩa gì cả”, ông Hải nhấn mạnh.

Việc phát triển thanh toán điện tử, tiến tới xã hội không tiền mặt sẽ tạo ra lực đẩy đối với nhiều lĩnh vực dịch vụ hiện đại khác trong nền kinh tế. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, xuyên suốt từ các nghị quyết của Bộ Chính trị đến các quyết định của Thủ tướng cũng như văn bản hướng dẫn của NHNN, đã liên tục đề cập đến việc phát triển thanh toán điện tử.

Cùng với đó, các điều kiện pháp lý cũng thuận lợi hơn rất nhiều để tạo đà cho phát triển các dịch vụ mới, dịch vụ hiện đại theo chủ trương đẩy mạnh CMCN 4.0. Đây là nỗ lực rất lớn từ cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng để triển khai thực hiện những chủ trương đó, thì cả người dân, doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý các cấp đều cần có những bước hiện thực hóa bằng chính sách cụ thể.

Đi tiên phong trong quá trình này chính là hơn 40 ngân hàng, hàng trăm tổ chức trung gian thanh toán đang nỗ lực chuyển đổi hành vi người dân từ sử dụng tiền mặt sang không dùng tiền mặt. Lãnh đạo của một DN cung cấp dịch vụ ví điện tử chia sẻ, hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trên thị trường đều đang phải làm một việc là dẫn đường cho người dùng trải nghiệm, tạo thói quen bằng những chương trình khuyến mãi. Sau khi khách hàng quen dần với những tính năng cơ bản, mới đưa thêm trải nghiệm phức tạp hơn, tinh vi hơn, hiện đại hơn.

Hiện nay cách làm phổ biến nhất trên thị trường là khuyến mãi và giảm giá, để người dân nhìn thấy lợi ích thiết thực nhất là, thay vì rút tiền mặt hết 10 đồng, thì thanh toán điện tử chỉ mất 8 đồng. Hoặc một cách khác là đưa ra giá trị không thể chối từ. Ví dụ, tiền điện không còn được thu tại nhà. Khi không có người đến thu, người dân sẽ phải tìm cách thanh toán điện tử. Tương tự như vậy, đối với các dịch vụ như truyền hình, internet… nếu khách hàng muốn có người đến thu tận nhà thì phải nộp thêm tiền, còn nếu thanh toán điện tử sẽ được giảm giá.

Tất cả chuyển biến đó đều đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ những khách hàng trẻ tuổi và sẵn lòng trải nghiệm dịch vụ tài chính hiện đại như chị Phạm Hoàng Lan. Tuy nhiên để có thể chinh phục thị trường hơn 80 triệu dân, chắc chắn sẽ còn là một hành trình dài, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các cơ quan quản lý có liên quan cùng hiện thực hóa chính sách để DN có thể phát triển và người dùng không còn ngại ngần.

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều