Thanh toán không dùng tiền mặt "bùng nổ" trong dịch vụ công

16:06 | 14/06/2020

Tăng cường thanh toán điện tử trong dịch vụ công là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ về kinh tế vĩ mô. Vì thế, sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đặc biệt là hệ thống ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công ngày càng trở nên mạnh mẽ.

thanh toan khong dung tien mat bung no trong dich vu cong
Thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ công ngày càng được đẩy mạnh

Đánh giá về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua, TS. Lê Đình Hạc, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho biết: Tại Việt Nam, đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự cạnh tranh sôi động về phát triển dịch vụ bán lẻ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại, các công ty công nghệ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán. Môi trường pháp lý cho hoạt động này ngày càng hoàn thiện hơn. Cùng với đó là sự hưởng ứng từ nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công khi nhận ra lợi ích kinh tế về hợp tác phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo một số khảo sát, nếu như trước đây, chỉ số thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn thì đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong năm 2019, có khoảng 50 ngân hàng đã kết nối thanh toán điện tử với hải quan, thuế. Trong đó có hơn 95% số thu của hải quan và 90% tiền điện được đóng qua ngân hàng. Thậm chí, một số bệnh viện cũng có lượng giao dịch viện phí không tiền mặt đến 35%.

Theo bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa (Tổng cục Thuế), tính đến cuối 2019, có đến 99% doanh nghiệp đang hoạt động đã đăng ký nộp thuế điện tử, 53 ngân hàng thương mại và 12 nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian tham gia cung cấp dịch vụ khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, với vai trò là đơn vị kết nối và hỗ trợ, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh của 12 tỉnh, thành phố. Đồng thời, hỗ trợ một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện thanh toán phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Để có sự thay đổi mạnh mẽ này, ngoài sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thì phải kể đến sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Theo đó, ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN yêu cầu ngành Ngân hàng phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.

Hiện thực hóa Chỉ thị này, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, trong đó miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công. Theo như dự kiến chương trình sẽ áp dụng đến hết tháng 12/2020.

Về phía các ngân hàng, nhiều công nghệ thanh toán vượt trội đã được các ngân hàng ứng dụng trong thanh toán dịch vụ công. Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát triển cơ chế đăng nhập một lần Single Sign On (SSO) giữa cổng dịch vụ Internet Banking của ngân hàng với cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã ứng dụng công nghệ thanh toán kết nối dữ liệu và gạch nợ tự động qua nhiều kênh thanh toán iBanking, mBanking, Sacombank Pay, Contact Center, ủy thác thanh toán tự động… để triển khai hàng loạt liên kết với các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, thuế điện tử.

Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng đã áp dụng chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích hợp lý để tạo lập thói quen đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử để thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí,...

Được biết, đến hết quý I/2020, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã hoàn lại số tiền hơn 300 tỉ đồng cho khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ để thanh toán. Trong đó, khách hàng thanh toán dịch vụ công như giáo dục, dịch vụ y tế, thuế, phí… được hưởng lợi đáng kể. Ví dụ, bệnh nhân dùng thẻ để thanh toán viện phí tại bệnh viện thay vì dùng tiền mặt, giá trị chi phí điều trị là 5 triệu đồng, Techcombank sẽ hoàn lại cho khách hàng 50.000 đồng. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh phát hành 20.000 thẻ học đường tại gần 300 trường với doanh số thanh toán bình quân ở mức hơn 500 tỉ/năm, Ngân hàng Sacombank còn triển khai thấu chi tài khoản thanh toán của phụ huynh để thanh toán học phí cho con em mình.

Dù nhập cuộc với nhiều kết quả khả quan nhưng nhiều ngân hàng vẫn lo lắng vì còn nhiều trở ngại. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết: Ở góc độ ngân hàng, khó khăn lớn nhất của các ngân hàng TMCP khi tham gia việc kết nối thanh toán dịch vụ công là bài toán chi phí và hiệu quả. Do chưa có khung phí nên nhiều dịch vụ hành chính công không thể trả phí cho ngân hàng, kể cả phí thanh toán bằng thẻ, trong khi đầu tư chi phí hệ thống vận hành khá lớn. Các đơn vị hành chính công cũng không được duy trì số dư trên tài khoản mở tại các ngân hàng TMCP nên cũng không thể sử dụng tiền gửi không kỳ hạn để bù đắp chi phí vốn.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhận định thói quen sử dụng tiền mặt, sự chưa đồng bộ hệ thống thanh toán vẫn là trở ngại lớn khi đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt với dịch vụ công. Công tác triển khai hóa đơn điện tử chưa hoàn tất tại các đơn vị cung cấp cũng là hạn chế cho dịch vụ thanh toán, vì khách hàng lo ngại khi thanh toán qua ngân hàng không nhận được hóa đơn kịp thời. Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu không được tập trung cũng là một trở ngại nhất định trong việc triển khai nhanh và đồng bộ định hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đề ra, theo các chuyên gia, yếu tố cốt lõi là xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán dịch vụ công đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt. Khi hệ thống các dịch vụ được kết nối đồng bộ, chắc chắn người dân, doanh nghiệp sẽ tiếp nhận những tiện ích mà hình thức thanh toán này mang lại.

Hương Giang

Tin đọc nhiều