Ngày nay, nói đến Mobile Banking ai cũng biết là dịch vụ ngân hàng điện tử trên điện thoại đi động được cung cấp bởi các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính, cho phép khách hàng thực hiện các loại giao dịch chuyển tiền, thanh toán hóa đơn... với thao tác đơn giản, nhanh gọn, tiện lợi, bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào.
Thực tế, khi đã sử dụng dịch vụ này thì ai cũng nhận thấy cách sử dụng Mobile Banking cũng rất đơn giản. Những giao dịch được thao tác bằng Mobile Banking thường được thực hiện rất nhanh, sau vài phút, giao dịch sẽ thành công trong khi bạn không cần phải trực tiếp đến ngân hàng hoặc lo sợ ngoài giờ hành chính ngân hàng không làm việc.
Lợi ích mang lại ngày càng nhiều khi sử dụng thẻ trong thanh toán |
Thêm nữa, khách hàng cũng có thể hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật và an toàn của dịch vụ với mỗi khi giao dịch được thực hiện, ngân hàng sẽ lập tức gửi mã OTP cũng như tin nhắn thông báo đến số điện thoại của khách hàng.
Tương tự Mobile Banking, Internet Banking cũng là dịch vụ số của ngân hàng trên nền tảng Internet. Khách hàng chỉ cần đăng ký sử dụng sẽ được cấp user và mật khẩu để truy cập vào dịch vụ này. Khách hàng có thể sử dụng Internet Banking để gửi tiết kiệm online, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn... mà không cần phải ra trực tiếp quầy giao dịch của ngân hàng. Dịch vụ Internet Banking của ngân hàng được bảo mật bởi công nghệ hiện đại nhất nhằm bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản của khách hàng. Mỗi giao dịch sẽ yêu cầu 2 lớp bảo mật là mật khẩu và mã OTP gửi đến số điện thoại của khách hàng.
Nói về hai tiện ích nêu trên để người dùng thấy được rằng, hiện tại không còn lý do gì để phải thanh toán bằng tiền mặt, nhất là khi hiện nhiều dịch vụ tiêu dùng thiết yếu đã được tích hợp vào trong các sản phẩm này khiến cho việc thanh toán của khách hàng diễn ra vô cùng dễ dàng. Đặc biệt, những giải pháp không dùng tiền mặt này thời gian qua đã minh chứng được sự ưu việt, an toàn và thuận tiện, đặc biệt rất hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 khi mọi người dân đều được yêu cầu hạn chế đến nơi đông người.
Cùng lúc đó, đồng hành cùng chính sách của Chính phủ và chỉ thị của NHNN, các ngân hàng đã đầu tư mạnh cho nền tảng số để thúc đẩy các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, giúp khách hàng không cần trực tiếp đến cửa hàng, siêu thị mà vẫn mua được các nhu yếu phẩm và đồ tiêu dùng cần thiết, tiết kiệm được thời gian và công sức, đảm bảo an toàn sức khỏe, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch.
Chẳng hạn, Techcombank đã triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa cho thẻ F@stAccess Napas với tất cả chủ thẻ phát hành mới.
Theo đó, thẻ chip nội địa đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế EMV, hạn chế các rủi ro về gian lận, giả mạo trong thanh toán thẻ. Bên cạnh đó, khách hàng được khuyến khích giao dịch qua kênh thẻ, không dùng tiền mặt để thanh toán và hưởng chính sách hoàn tiền không giới hạn 1% giá trị thanh toán. Tới nay, Techcombank liên tục triển khai các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng thanh toán không tiền mặt, tập trung vào các dịch vụ công như y tế, giáo dục; các giao dịch chuyển khoản nộp ngân sách nhà nước...
Tương tự, Sacombank là một trong những ngân hàng đầu tiên phối hợp với tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard nâng cấp hệ thống bảo vệ đa cấp 3D-Secure phiên bản 1.0 lên phiên bản 2.0 theo tiêu chuẩn EMV cho các dòng thẻ này tại ngân hàng. Việc nâng cấp hệ thống nhằm tăng cường độ an toàn đối với các giao dịch thẻ trực tuyến, đẩy nhanh tiến trình giao dịch, giúp khách hàng dễ dàng trải nghiệm nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Ngoài ra, phiên bản mới nhất này còn giúp giảm thiểu tối đa các hình thức mạo danh như việc giả lập một website tương tự để đánh cắp thông tin thẻ; đồng thời hỗ trợ khách hàng giao dịch trên nhiều thiết bị/nền tảng khác nhau như điện thoại di động, website, ứng dụng mua sắm trực tuyến. Hiện 3D-Secure 2.0 được đăng ký mặc định, miễn phí và triển khai cho tất cả chủ thẻ quốc tế Sacombank Visa và Sacombank MasterCard…
Nhờ vào những nỗ lực không ngừng trong ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng như hiện nay, việc sử dụng các loại thẻ của ngân hàng, ví điện tử trong mọi hoạt động chi tiêu thanh toán dịch vụ hàng ngày, trở thành tiện ích vô cùng đặc biệt đối với người tiêu dùng. Trong đó, các dịch vụ công đang được cả Chính phủ lẫn ngân hàng đặc biệt khuyến khích và ưu tiên cho người dùng như y tế, giáo dục đang phát triển rộng rãi và thu được nhiều tín hiệu tốt từ thị trường.
Ðặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng lan tỏa đến đa số người dân, nhờ sự tham gia mạnh mẽ hơn của các ngân hàng trong giai đoạn cả xã hội đang chịu tác động của Covid-19 thông qua những chương trình ưu đãi hấp dẫn, dài hạn và tiện ích vượt trội từ thẻ thanh toán mà các ngân hàng đưa ra. Trong đó, khách hàng dùng thẻ để thanh toán các dịch vụ công như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, thuế, phí… được hưởng lợi ích đáng kể.
Ðơn cử, nếu bệnh nhân dùng thẻ để thanh toán viện phí tại bệnh viện thay vì dùng tiền mặt, nếu giá trị chi phí điều trị là 5 triệu đồng, Techcombank sẽ hoàn lại cho khách hàng 50.000 đồng. Khoản hoàn lại này tương đương phí của 15 giao dịch rút tiền ngoại mạng mà khách hàng có thể phải trả nếu rút tiền mặt qua ATM. Phần lợi ích nhận lại như vậy là rất lớn, với toàn bộ các thanh toán cho dịch vụ giáo dục, dịch vụ công khác...
Hay người sử dụng thẻ Sacombank, Vietcombank, ACB… hưởng lợi ích tuyệt đối khi sử dụng thẻ để thanh toán các sản phẩm dịch vụ kết nối ví thông qua thẻ nội địa và thẻ visa debit. Với tất cả các tiện ích này, người dùng luôn được hưởng ưu đãi như quà tặng, miễn phí, miễn lãi, nhất là chương trình ưu đãi hoàn tiền không giới hạn 1% cho thẻ ghi nợ. Nhìn chung, các ngân hàng đều đã và đang tiếp tục đem tới lợi ích lớn cho khách hàng với nhiều cải tiến/ưu đãi bổ sung. Do vậy, người dùng nên nhanh chóng sử dụng tất cả các ứng dụng tài chính mà ngân hàng triển khai để hưởng lợi ích tối đa…
Lam Anh