Toàn cảnh tọa đàm |
Nỗ lực tạo thói quen thanh toán không tiền mặt
Sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng mobile banking. Kết quả đạt được cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán (NHNN) cho biết, trong bối cảnh Việt Nam cần phải chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thì chủ đề của tọa đàm hôm nay về tuyên truyền, phổ biến lợi ích của các phương thức thanh toán mới, hiện đại như thẻ chip, thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua mã QR, thanh toán qua Internet, điện thoại di động trở thành nội dung thiết thực đối với mỗi người dân và doanh nghiệp.
Thời gian qua, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam: thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng mobile banking, … kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.
Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN phát biểu tại tọa đàm. |
Cũng theo đại diện Vụ Thanh toán, NHNN đã tập trung triển khai một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. Theo đó, NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến…
Bên cạnh đó, những năm gần đây, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng tích cực được đẩy mạnh. Một trong những giải pháp quan trọng là việc ra mắt Cổng Dịch vụ công Quốc gia chính thức vào ngày 9/12/2019. Theo đó, nhiều nhóm dịch vụ công đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, thay vì phải đến trực tiếp nộp tiền mặt để nộp các loại thế, phí.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cũng chia sẻ các giải pháp góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công đã được triển khai thời gian qua. Hiện đơn vị này đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 48 địa phương, 15 đơn vị là các Bộ/Cục/cơ quan cung cấp dịch vụ công để cung cấp dịch vụ dịch vụ thanh toán trực tuyến cho 05 nhóm dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm: nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí và thanh toán phí, lệ phí. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt do NAPAS triển khai gồm Thanh toán qua thẻ chip do các ngân hàng phát hành, thanh toán qua số tài khoản ngân hàng và phương thức thanh toán bằng mã VietQR mới được triển khai phối hợp cùng hai ngân hàng là NCB và Nam A Bank vào tháng 1 năm nay. Ông Minh cho biết, thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán nhiều dịch vụ như học phí, viện phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó nhân rộng mô hình trên nhiều kênh thanh toán khác.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS phát biểu tại tọa đàm. |
Để thanh toán số nhảy vọt
Tại tọa đàm, chuyên gia, đại diện các NHTM đã có những chia sẻ, đề xuất các giải pháp liên quan để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán số rõ nét hơn thời gian tới. Từ góc độ NHTM, bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm sản phẩm, Khối Ngân hàng số (MB) cho hay, với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm, MB tập trung vào việc gắn sản phẩm đáp ứng tới từng nhu cầu nhỏ trong cuộc sống của khách hàng.
“Có những quy trình trước kia mất tới 3-4 tháng mới ra được sản phẩm song lại không đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Chúng tôi đã thay đổi để cùng với việc đưa ra sản phẩm mới, liên tục sửa đổi để đáp ứng tốt hơn và chính xác hơn nhu cầu khách hàng. Khi sản phẩm được khách hàng đón nhận thì ngân hàng mới đưa ra các tính năng bổ sung”, bà Mai chia sẻ.
MB cũng đang có chiến lược hướng tới thúc đẩy thanh toán đối với đối tượng là các khách hàng trẻ, thông qua ứng dụng phát hành thẻ ảo giúp tiết kiệm chi phí hơn, gia tăng thanh toán số. Bà Mai đề xuất nghiên cứu việc cho phép thanh toán không qua xác thực với thanh toán nhỏ, phương tiện công cộng.
Bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm sản phẩm - Khối Ngân hàng số (MB) phát biểu. |
Chia sẻ về chính sách thu hút khách hàng của Agribank, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Agribank, bà Phan Thị Thanh Hà cho hay, hiện tại khách hàng thanh toán qua thẻ của Agribank không phát trả bất cứ một chi phí nào, thậm chí khi chi tiêu qua thẻ ngân hàng còn có chính sách hoàn tiền cho khách hàng.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Minh cũng thông tin về kế hoạch phối hợp của NAPAS với các ngân hàng, trung gian thanh toán phát triển củng cố hạ tầng chấp nhận thanh toán của NAPAS. Theo đó, với vai trò đơn vị chuyển mạch quốc gia, NAPAS sẽ thực hiện kết nối liên thông mạng lưới chấp nhận thanh toán QR code của tất cả các đơn vị để khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán này có thể thanh toán ở bất kì điểm chấp nhận thanh toán do bất kì đơn vị nào phát triển. Hiện nay, NAPAS đã cho ra đời QR code tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở này với ứng dụng mang tên là VietQR, được sử dụng đầu tiên để thực hiện liên thông thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam - Thái Lan theo chỉ đạo của NHTW hai nước.
Đại diện Chi hội thẻ - Hiệp hội Ngân hàng, ông Lê Thanh Hà cũng nhấn mạnh tới yêu cầu quản trị rủi ro song song với việc thu hút khách hàng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ông Hà, các chuẩn mực của ngân hàng Việt Nam hiện nay đã có sự tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế, nên công tác phòng ngừa rủi ro, an toàn, bảo mật phải được đặt lên hàng đầu thì thị trường thanh toán mới phát triển nhanh và bền vững được. Các ngân hàng sẽ phải đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu, tuân thủ chặt quy định quốc tế tại thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, khi triển khai nhiều thẻ thanh toán, các ngân hàng cần có chế độ bảo mật cho phép chủ thẻ cùng ngân hàng kiểm soát giao dịch chủ động như đóng mở thẻ, dịch vụ, hạn mức thanh toán…
M.Khôi