Bằng việc triển khai thành công kết nối này, thông qua ứng dụng Bakong của NHQG Campuchia, khách hàng của 57 ngân hàng Campuchia khi đến Việt Nam có thể quét mã VietQR tại các điểm chấp nhận thanh toán của các ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ gồm BIDV và TPBank để thanh toán từ tài khoản tiền Riel Campuchia (KHR) của khách hàng. Ngược lại, du khách Việt Nam khi sang Campuchia cũng có thể sử dụng ứng dụng di động của các ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank để thực hiện thanh toán quét KHQR tại khoảng 1,8 triệu điểm chấp nhận thanh toán của Campuchia. Khi thanh toán xuyên biên giới sử dụng QR code, du khách hai nước sẽ được hưởng tỷ giá chuyển đổi ưu đãi thay vì chuyển đổi sang ngoại tệ thứ ba. Trong giai đoạn tiếp theo, kết nối sẽ tiếp tục được mở rộng sự tham gia của các ngân hàng Việt Nam khác. Kế hoạch này sẽ sớm trở thành hiện thực khi một số ngân hàng Việt Nam đã hiện diện tại Campuchia như: Agribank chi nhánh Campuchia; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC), MB Bank Chi nhánh Campuchia, Sacombank Cambodia, SHB Campuchia… Dịch vụ thanh toán bán lẻ xuyên biên giới sử dụng mã QR được kỳ vọng tạo điều kiện để khai thác tốt hơn tiềm năng trao đổi du lịch giữa hai nước, cũng như góp phần gắn kết kinh tế Việt Nam-Campuchia thông qua khuyến khích sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới.
Đây không phải quốc gia đầu tiên kết nối thanh toán QR xuyên biên giới với Việt Nam. Với mục tiêu thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới giữa quốc gia ASEAN trên nền tảng kỹ thuật QR code tương thích, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với vai trò là đơn vị chuyển mạch làm đầu mối, phối hợp với các NHTM Việt Nam đã xúc tiến các dự án kết nối xuyên biên giới với nhiều quốc gia trong khu vực. Tháng 3/2021, việc kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng QR code giữa Việt Nam và Thái Lan đã được thực hiện.
Tới đây, thanh toán xuyên biên giới ứng dụng QR code sẽ được mở rộng hơn nữa, trong tương lai gần là Lào và Hàn Quốc. Từ tháng 10/2022, NAPAS và Công ty Thẻ BC Card (BC Card) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và Hàn Quốc. Theo thỏa thuận hợp tác, NAPAS và BC Card sẽ đánh giá và nghiên cứu để triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và Hàn Quốc với các phương thức thanh toán bằng thẻ nội địa/thẻ toàn cầu do BC Card phát hành và thẻ chip NAPAS; thanh toán qua mã QR thông qua mạng lưới NAPAS và BC Card. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc NHTW ASEAN lần thứ 10 tại Jakarta, ngày 25/8/2023, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà đã ký bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác kết nối thanh toán khu vực với NHTW các nước Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore và Thái Lan. Theo nội dung MoU, các NHTW thành viên thống nhất thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới trên cơ sở ứng dụng các phương thức thanh toán như QR Code, thanh toán nhanh và các mô hình thanh toán khác, cũng như hợp tác giám sát và xây dựng cơ chế quản lý rủi ro lành mạnh, phù hợp với khuôn khổ pháp lý của các quốc gia thành viên. Hiện đã có 9 liên kết trong lĩnh vực thanh toán song phương sử dụng mã QR giữa các quốc gia ASEAN đang hoạt động và thêm 10 liên kết nữa đang được phát triển.
Mới đây nhất, ngày 1/12 NHNN Việt Nam và Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu, triển khai thí điểm kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng QR code giữa Việt Nam và Lào do Công ty TNHH mạng lưới thanh toán quốc gia Lào (LAPNet) và NAPAS triển khai.
Theo số thống kê của NAPAS, 9 tháng đầu năm 2023 giao dịch qua phương thức QR Code tăng 105,33% về số lượng và 10,66% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. QR code đã có tốc độ tăng trưởng ở mức ba con số từ năm 2019 đến nay, với việc mở rộng kết nối thanh toán QR xuyên biên giới thì phương thức thanh toán này sẽ còn tăng tốc hơn nữa. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại từ phát triển du lịch, thương mại giữa các quốc gia, thì vấn đề đảm bảo an ninh tiền tệ, phòng chống rửa tiền, trốn thuế… cũng cần phải được xem trọng.
Thùy Dương