Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc sử dụng thẻ ATM trong thực hiện chính sách chi trả lương, trợ cấp, thực hiện chính sách xã hội, chi trả lương hưu trên địa bàn thành phố rất hiệu quả.
Theo đó, dịch vụ ATM đã phát huy được hiệu quả hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Dịch vụ thẻ ATM hiện nay đã gắn liền với sự phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và các phương tiện sử dụng thẻ phi vật lý (thẻ tích hợp trên ứng dụng điện thoại di động), bên cạnh thẻ vật lý truyền thống.
“Máy ATM thế hệ mới hiện nay có nhiều tính năng mới, đã mang lại lợi ích tối đa cho người sử dụng thẻ trong hoạt động thanh toán”, ông Lệnh nói và cho biết số lượng thẻ ATM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay đã lên đến 20,5 triệu thẻ, tăng 10,8% so với cuối năm 2022. Số điểm chấp nhận thanh toán thẻ cũng lên đến 97.621 điểm, tăng 17,1% so với cuối năm 2022, với gần 158.000 máy POS, tăng 25,6% so với cuối năm.
Hoạt động thanh toán điện tử phát triển mạnh thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, người dân thành phố sử dụng các dịch vụ tài chính trực tuyến, bao gồm: chuyển tiền, thanh toán, thương mại điện tử, vận chuyển hành khách công nghệ, cung cấp dịch vụ thương mại, du lịch, dịch vụ, nhà hàng ăn uống…
Bên cạnh đó, lĩnh vực điện nước, giáo dục, thủ tục hành chính công và chi trả lương… là những lĩnh vực tiên phong của TP. Hồ Chí Minh, tạo hiệu ứng cao thúc đẩy mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Số liệu thống kê còn đưa ra dữ liệu thanh toán điện tử đối với các dịch vụ thiết yếu như chi trả tiền điện nước chiếm 97,31% trong tổng số hóa đơn thanh toán, 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để thu học phí.
Tham gia vào thị trường thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay, ngoài các ngân hàng thương mại cung cấp sản phẩm thẻ, Mobile Banking, Internet Banking, các trung gian thanh toán liên kết với ngân hàng phát triển rất mạnh các tiện ích mã QR Code trên ứng dụng ví điện tử, cổng thanh toán...
Đ.Hải