Thẻ thanh toán tự động cho xe buýt còn nhiều hạn chế

14:00 | 05/04/2019

Đã gần một tháng kể từ ngày Sở Giao thông TP. HCM thí điểm áp dụng thẻ thanh toán tự động cho xe buýt. Tuy hết sức tiện lợi nhưng nhiều hành khách cho rằng, còn không ít điều cần cải thiện để chiếc thẻ này thật sự "thông minh" và tiện dụng.

Dịch vụ ngân hàng số: Nhu cầu tất yếu
Thanh toán phi tiền mặt cần ngân sách trợ lực
Dồn lực đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Việc thí điểm sử dụng thẻ xe buýt thông minh của TP.HCM được triển khai trong 12 tháng theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1, triển khai từ tháng 3/2019, trên 9 tuyến xe buýt là 86, 50, 55, 30, 93, 59, 68, 69 với 141 phương tiện. Giai đoạn 2 từ tháng 7/2019, triển khai trên 7 tuyến là 10, 18, 28, 45, 54, 91 và 150 với 139 phương tiện. Trong giai đoạn đầu, người dân và các sinh viên được mở thẻ miễn phí tại trường Đại học Tôn Đức Thắng (quận 7) và Trung tâm điều hành xe buýt Sài Gòn (quận 1).

Có 2 hình thức để hành khách đi xe buýt thanh toán gồm thẻ thông minh (Uni Pass) và mã QR trên ứng dụng điện thoại. Đối với hình thức thanh toán dùng Uni Pass, sau khi thẻ đã được nạp tiền, hành khách chỉ cần lên xe, chạm nhẹ thẻ vào đầu đọc là hoàn thành quy trình thanh toán. Tiền vé sẽ được trừ trực tiếp vào số dư tài khoản của khách hàng.

the thanh toan tu dong cho xe buyt con nhieu han che
Còn không ít điều cần cải thiện để thẻ xe buýt thật sự "thông minh" và tiện dụng

Hệ thống được thiết kế để cho một thẻ/một khách hàng chỉ được thanh toán duy nhất 1 lần trên một chuyến xe để tránh trường hợp khách hàng quẹt thẻ nhầm 2 lần trở lên. Ngoài ra, hành khách có thể thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng điện thoại (ZaloPay). Để thanh toán, hành khách mở ứng dụng đã đăng nhập sẵn, chọn hình thức vé điện tử mã QR và mã sẽ xuất hiện trên màn hình. Hành khách chỉ cần đặt mã QR này lên thiết bị đầu đọc trên xe buýt.

Một công ty công nghệ và một ngân hàng đã hợp tác đầu tư các giải pháp kỹ thuật, phương án tổ chức và thủ tục dịch vụ thu hộ các doanh nghiệp vận tải xe buýt. Ngành giao thông TP.HCM kỳ vọng đây sẽ là bước đánh dấu cho sự phát triển của ngành giao thông công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Tuy tiện ích là vậy, nhưng theo khảo sát, trên nhiều chuyến xe buýt của tuyến 86 Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng (tuyến áp dụng thẻ thanh toán tự động), lượng hành khách đi tương đối đông nhưng số người dùng thẻ vẫn còn rất ít. Một hành khách cho biết, cũng đã thử dùng thẻ thanh toán tự động cho tiện, nhưng có hạn chế là việc nạp tiền vào thẻ hiện chỉ mới được thực hiện qua một ngân hàng duy nhất, gây khó khăn cho người dùng. Bên cạnh đó, hiện thẻ cũng chỉ mới thí điểm thanh toán được ở một tuyến duy nhất.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lèo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải TP. HCM (Citranco) - đơn vị triển khai áp dụng thẻ thanh toán, cho rằng do mới áp dụng nên vẫn còn nhiều thiếu sót và bất cập. Công ty sẽ tổng hợp ý kiến của hành khách cũng như rà soát toàn bộ cách vận hành để kiến nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. HCM xử lý, điều chỉnh.

Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, đến thời điểm này đã có hơn 500 thẻ được cấp; trong năm nay sẽ phát triển mở rộng kết nối thanh toán thẻ trên 16 tuyến xe buýt với khoảng 300 phương tiện. Trong thời gian tới, thẻ xe buýt thông minh còn có thể kết nối thông qua các tài khoản trên thiết bị di động với nền tảng công nghệ không tiếp xúc, như công nghệ NFC (Near-Field Communications), công nghệ QR code… Với chiếc thẻ thông minh hoặc sử dụng điện thoại thông minh, hành khách dễ dàng thanh toán tiền đi xe buýt mà không cần phải mua vé giấy như trước đây.

Nhằm khắc phục những mặt còn hạn chế, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cùng với các đối tác, các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật, quy trình vận hành bảo trì, cùng các nội dung khác cho phù hợp với thực tế và sự phát triển đổi mới công nghệ; báo cáo Sở Giao thông - Vận tải xem xét trình UBND TP. HCM sớm triển khai chính thức hệ thống thanh toán tự động trong giao thông công cộng trên địa bàn thành phố.

Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. HCM vẫn cùng đội ngũ chuyên gia theo dõi vận hành, đánh giá cập nhật thực tế và đề ra các giải pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, xây dựng cấu trúc quản trị của hệ thống phù hợp với điều kiện tại TP. HCM và các quy định hiện hành. “Trong tương lai, thẻ sẽ có nhiều chức năng thanh toán và sẵn sàng tích hợp, mở rộng để tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng”, ông Trung nói.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều