Thẻ tín dụng nội địa mở sang phân khúc bình dân

08:20 | 11/05/2022

Nhiều ngân hàng đang tăng cường phát hành thẻ tín dụng nội địa hướng tới phân khúc bình dân. Ngoài ngân hàng, thị trường thẻ tín dụng nội địa còn có sự tham gia của các fintech và tập đoàn bán lẻ liên kết với các tổ chức tín dụng.

Cuộc đua miễn phí, hoàn tiền

Agribank đang triển khai mở rộng phát hành thẻ Lộc Việt - một sản phẩm được tích hợp cả thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng nội địa công nghệ chip EMV mà ngân hàng này đã cho ra mắt hồi đầu năm. Để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ, ngân hàng này thực hiện miễn hoàn toàn phí mở thẻ và phí thường niên năm đầu tiên. Bên cạnh đó, khi đăng ký mở thẻ trong thời gian thẻ này mới ra mắt, người dùng sẽ được hoàn 100.000 đồng khi giao dịch thanh toán chi tiêu từ 500.000 đồng trở lên.

Cùng với Agribank, trong các tháng đầu năm nay nhiều NHTM như: VietinBank, VIB, VietcapitalBank, Sacombank, HDBank, NamABank.. cũng đã nhộn nhịp triển khai các chương trình ưu đãi mở và sử dụng các loại thẻ tín dụng nội địa. Chẳng hạn, từ tháng 4/2022, VietinBank áp dụng giảm mức phí chuyển đổi trả góp 0% lãi suất cho mọi giao dịch thanh toán qua thẻ tín dụng (cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế) có giá trị từ 3 triệu đồng trở lên. Khi người sử dụng thẻ tín dụng nội địa 2Card VietinBank để thanh toán tại các trung tâm mua sắm cũng được ngân hàng ưu đãi hoàn tiền đến 1,5 triệu đồng. NamABank hiện đang áp dụng hoàn tiền 250.000 đồng cho chủ thẻ Happy Card trong lần chi tiêu đầu tiên sau 45 ngày mở thẻ. Trong khi đó VIB triển khai đồng loạt các khuyến mại dành cho các dòng thẻ VIB Online Plus 2in1 và VIB Zero Interest Rate. Cụ thể, khách hàng sử dụng thẻ VIB Online Plus 2in1 để chi tiêu nội địa được giảm 25.000-50.000 đồng cho mỗi dịch vụ Grab vào thứ 2,4,6 hàng tuần và được hoàn 300.000 đồng khi mua sắm trực tuyến. Trong khi chủ thẻ VIB Zero Interest Rate được áp dụng lãi trả góp 0% cho mọi giao dịch.

the tin dung noi dia mo sang phan khuc binh dan
Các chuyên gia ngân hàng cho biết, thẻ tín dụng nội địa sẽ tiết kiệm chi phí cho người dùng so với thẻ quốc tế

Quan sát trên thị trường cho thấy, hiện nay các dòng thẻ tín dụng nội địa như ACB Express, Sacombank Napas Family, VietinBank CashPlus, NamABank Cash Card, VIB Zero Interest Rate… được người tiêu dùng trẻ rất ưa chuộng. Điều kiện thu nhập đủ để phát hành thẻ được các ngân hàng quy định ở mức khá thấp (5-7 triệu đồng/tháng) đồng thời các ngân hàng cũng chủ động liên kết hỗ trợ giảm giá cho chủ thẻ khi mua sắm trực tuyến, chi tiêu và đi lại hàng ngày. Do vậy, tốc độ tăng trưởng các loại thẻ tín dụng nội địa khá mạnh. Hầu hết các ngân hàng đều lên kế hoạch mở rộng thẻ tín dụng cho khu vực khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình thấp, trong đó chủ yếu là tầng lớp lao động văn phòng, sinh viên, công nhân viên chức và chủ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Cạnh tranh của các fintech

Theo thống kê của NHNN, tính đến hiện nay có 12 NHTM và một công ty tài chính tham gia phát hành các loại thẻ tín dụng nội địa. Tốc độ tăng trưởng của thẻ tín dụng nội địa giai đoạn 2017-2021 đạt trung bình 23,2%/năm cao hơn so mức tăng trưởng 17,18%/năm của thẻ tín dụng quốc tế.

Mặc dù vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng thị trường thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Hãng nghiên cứu thị trường Mibrand khảo sát trên 600 khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy rằng số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm 34%. Tỷ lệ này cho phép các NHTM tiếp tục mở rộng các loại hình thẻ tín dụng nội địa để khai thác tốt hơn mảng thanh toán thương mại điện tử. Đáng chú ý, theo các chuyên gia trong một, hai năm tới, thị trường tài chính tiêu dùng (bao gồm thẻ tín dụng nội địa) sẽ được thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ bởi các fintech thử nghiệm trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P lending); chấm điểm tín dụng tự động; và trào lưu hình thành các hệ sinh thái ngân hàng mở.

Ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng của phân khúc bình dân, thu nhập trung bình thấp cũng khá cao. Trong thời gian qua, cùng với việc phát hành thẻ ngân hàng cũng đã triển khai thành công mô hình AutoBank cho phép khách hàng rút và gửi tiền trực tuyến cùng với nhiều dịch vụ ngân hàng số. Mục tiêu trong năm nay của Agribank là hướng phát hành thẻ tín dụng nội địa đến các hộ kinh doanh và sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

Thị trường thẻ thanh toán hiện nay có nhiều nhân tố mới tham gia, các ngân hàng cũng bắt đầu phải cạnh tranh với các công ty tài chính và fintech liên kết với các đối tác ngân hàng ở mảng thẻ tín dụng nội địa. Chẳng hạn, Công ty tài chính VietCredit mới đây đã hợp tác với Tập đoàn Hitachi của Nhật Bản và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) để phát triển mảng tài chính tiêu dùng. Nhiều khả năng đơn vị này sẽ mở rộng phát hành thẻ tín dụng nội địa đến công nhân, người lao động trong các hệ sinh thái Hitachi và VietnamPost.

Trong khi đó, một tập đoàn bán lẻ lớn khác là Masan Group trong tháng 4 vừa qua đã chi 65 triệu USD để sở hữu 25% vốn của CTCP Trusting Social. Bằng việc tham gia vào công ty công nghệ chấm điểm tín dụng này, Masan đang hướng đến liên kết với các ngân hàng đối tác để phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng bình dân là những người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng hoặc đã có tài khoản ngân hàng nhưng chưa tiếp cận đầy đủ các tiện ích tài chính. Theo Masan đến nay hệ sinh thái công ty này đã có gần 2.700 tài khoản tín dụng được xác thực thành công với tổng hạn mức tín dụng được cấp là 815 tỷ đồng. Trong năm nay tập đoàn này sẽ liên kết với các tổ chức tín dụng để mở mới một triệu thẻ tín dụng dưới dạng thẻ ba trong một bao gồm thẻ tín dụng EVO, thẻ khách hàng thân thiết của hệ thống WinMart/WinMart+ và nhà mạng di động Reddi.

Những diễn biến sôi động như kể trên cho thấy thị trường thẻ tín dụng nội địa đang bắt đầu lan toả khá mạnh mẽ. Ngoài sự tham gia tích cực từ các NHTM thì các tập đoàn bán lẻ, các hãng công nghệ tài chính lớn cũng đã vào cuộc khai thác các mảng, tệp khách hàng tiềm năng. Vì thế cơ hội để sở hữu thẻ tín dụng nội địa với người tiêu dùng bình dân, có thu nhập trung bình thấp đang khá rộng mở và nhiều lựa chọn.

Thanh toán kỹ thuật số đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người tiêu dùng ở đô thị khi thực hiện các giao dịch tài chính trực tuyến. Tuy nhiên, theo Kaspersky, tội phạm mạng ngày càng trở nên tinh vi hơn trong việc nhắm vào mục tiêu người dùng. Vì vậy các chuyên gia của hãng bảo mật này kêu gọi mọi người nên xem xét, bảo vệ thiết bị của mình bằng các công cụ phù hợp để bảo vệ dữ liệu và tiền bạc.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều