Đầu tuần tới, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) sẽ ra mắt thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa. Trước đó, NAPAS đã phối hợp với 7 ngân hàng thành viên gồm: ACB, HDBank, Sacombank, VietinBank, Viet Capital Bank, BAOVIET Bank và VietBank hoàn thành giai đoạn triển thí điểm đối với sản 2 sản phẩm thẻ nội địa trên. Đây cũng là động thái tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi thẻ chip theo lộ trình tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng và đa dạng hóa sản phẩm thẻ chip nội địa theo TCCS do NHNN ban hành của NAPAS và các thành viên.
Thẻ tín dụng nội địa cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được tổ chức thành viên cấp theo thoả thuận với chủ thẻ với nhiều tiện lợi nổi trội như: Chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên tới 55 ngày. Thanh toán tại các Đơn vị chấp nhận thẻ có biểu tuợng NAPAS, bao gồm các điểm chấp nhận thẻ tiếp xúc và không tiếp xúc (contactless), trong lãnh thổ Việt Nam và tại các điểm có logo BC Card tai Hàn Quốc.
Chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả ATM có biểu tượng NAPAS trong lãnh thổ Việt Nam và tại các điểm có logo BC Card tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, chủ thẻ còn thực hiện thanh toán qua Internet, tại các Đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến Việt Nam. Chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên tới 55 ngày.
Khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa về cơ bản, chủ thẻ sẽ không phải trả phí khi thực hiện các giao dịch thanh toán (trừ giao dịch rút tiền) từ thẻ tín dụng.
Đối với các giao dịch thanh toán, phí giao dịch sẽ ở mức từ 1,1% - 1,3% giá trị giao dịch. Với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1% - 2% giá trị giao dịch, mức thu tối thiểu từ 10.000 – 20.000 đồng.
Việc giao dịch bằng thẻ tín dụng nội địa được đảm bảo an toàn với tính năng bảo mật 3D Secure, OTP.
Trao đổi với thoibaonganhang.vn, ông Nguyễn Quang Minh - Phó tổng giám đốc NAPAS cho biết, bên cạnh đẩy mạnh hỗ trợ chủ thẻ thanh toán không dùng tiền mặt thì thẻ tín dụng còn hỗ trợ giải ngân với lãi suất rất hợp lý. Các ngân hàng có thể giải ngân qua thẻ tín dụng ngay trong ngày. Tính năng này có thể giải quyết nhu cầu cấp bách về vốn cho khách hàng và trên thực tế hiện nay nhu cầu vay một vài chục triệu đồng đối với hộ kinh doanh cá thể là rất lớn.
Cũng theo Phó tổng giám đốc NAPAS, thời gian qua có câu chuyện tại sao một số người khi cần tiền khẩn cấp phải tìm đến tín dụng đen là do họ không tiếp xúc dịch vụ tài chính chính thức nào cả nên buộc phải tìm đến kênh phi chính thức với lãi suất cao. Vì vậy, với hai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa sẽ giúp người dân có thêm sự lựa chọn. Khi có nhu cầu vốn thì họ sẽ tìm đến ngân hàng.
“Hy vọng trong 1-2 năm tới, lượng thẻ tín dụng sẽ chiếm 15-20% trong tổng số thẻ trên thị trường. Còn đối với các thị trường phát triển, thẻ tín dụng chiếm trên 50%”, ông Minh chia sẻ.
Về thẻ trả trước nội địa, hiện tại khách hàng có thể phát hành tại một số ngân hàng, tổ chức thành viên của NAPAS bao gồm: VietinBank, Sacombank, VietBank và HDBank. Thẻ trả trước nội địa hướng tới tập khách hàng là học sinh, sinh viên; khách du lịch, muốn có một công cụ thanh toán ngắn hạn với số tiền chi tiêu nhỏ. |
Chí Kiên