Độ “bao phủ” chưa cao
Thẻ tín dụng nội địa được xem như một giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thúc đẩy tài chính toàn diện và ngăn ngừa tín dụng đen. Trong khi thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã tạo nên cú hích cho TTKDTM, kéo theo nhu cầu rất lớn về thẻ tín dụng, trong đó có thẻ tín dụng nội địa.
Song đến nay, sự phát triển của thẻ tín dụng nội địa vẫn còn rất khiêm tốn. Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN), lượng thẻ tín dụng nội địa đã kích hoạt hiện mới đạt 543 nghìn đơn vị, chiếm khoảng 0,5% tổng lượng thẻ trên thị trường. Một số liệu khác cho thấy, khi so sánh với các quốc gia láng giềng, chỉ 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế, còn các quốc gia lân cận như Thái Lan con số này là 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan 54%, Nhật Bản 68%...
Thẻ tín dụng nội địa đang có tiềm năng phát triển lớn |
Ông Hồ Minh Tâm - Tổng giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) cho rằng, những con số trên cho thấy dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa là rất lớn. Ông phân tích, các ngân hàng tại Việt Nam có hơn 20 năm kinh doanh sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, phân khúc thẻ tín dụng quốc tế tập trung đại đa số là khách hàng có thu nhập cao, sống ở các khu đô thị lớn. Như vậy, các ngân hàng hiện đang bỏ lỡ một lượng khách hàng tiềm năng, đó là những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Các sản phẩm thẻ tín dụng hiện nay của ngân hàng, về tính năng, thời hạn thanh toán… vẫn phụ thuộc vào thị hiếu, thói quen, hành vi của nhóm khách hàng thu nhập cao, chưa khớp với hành vi, tư duy, nhận thức của nhóm khách hàng còn lại. Vì vậy, những sản phẩm thẻ của các ngân hàng hiện tại vẫn như một “chiếc áo” quá rộng, quá xa xỉ với những khách hàng có thu nhập trung bình và thấp mà lượng khách hàng hiện nay được đánh giá là tiềm năng cao.
Theo ông Đỗ Vân Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm thẻ HDBank, tốc độ tăng trưởng thẻ tín dụng nội địa của ngân hàng này vượt mong đợi trong 7 tháng đầu năm 2022, lên tới hơn 300% so với kết quả của cả năm 2021. Sản phẩm đáp ứng được đúng nhu cầu của cả hai đối tượng khách hàng, các điểm bán lẻ, cửa hàng tạp hóa, công nhân...
Tăng khả năng tiếp cận của người dân
Ông Nguyễn Minh Dũng - đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, khi tiến hành khảo sát nhu cầu hỗ trợ tín dụng của công nhân lao động tại Bắc Giang, Bình Dương, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai… có thể thấy nhu cầu của công nhân lao động về tiếp cận tín dụng rất lớn, nhất là phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu. Nhưng khi cần vốn nếu không vay được người nhà hay người quen thì họ lại tìm đến tín dụng đen vì được tiếp thị đến tận cửa, được vay nhanh, dễ dàng.
“Mặc dù biết việc vay tín dụng đen không đúng pháp luật nhưng giữa lúc hoàn cảnh khó khăn, nhiều người đành cắn răng vay với lãi suất cắt cổ”, ông Dũng chia sẻ và cho biết, tuy Tổng Liên đoàn cũng có một số đơn vị hoạt động dưới hình thức tổ chức tài chính vi mô, quỹ tại các tỉnh, nhưng các chương trình có hạn mức vay hạn chế, không đáng là bao so với nhu cầu của công nhân. Chính vì vậy, thẻ tín dụng nội địa nếu phát triển tốt sẽ là một kênh tài chính tin cậy và hiệu quả, giúp công nhân trang trải cuộc sống.
Về phía NHNN, ông Phạm Trường Giang - Phó Trưởng Phòng phụ̣ trách Phòng phát triển Thanh toán, Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, hiện hành lang pháp lý cho thẻ ngân hàng, bao gồm cả thẻ tín dụng nội địa đã được NHNN ban hành tương đối đầy đủ. Các ngân hàng cũng đã triển khai phát hành thẻ ngân hàng với một khối lượng tương đối lớn.
Tuy nhiên, để thẻ tín dụng nội địa phát triển và phát huy tác dụng đúng như mong đợi, giới chuyên môn đề nghị, trong thời gian tới, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ cũng như công ty chuyển mạch thẻ cần có các giải pháp hiệu quả. Chẳng hạn, với tổ chức phát hành thẻ, phải có chương trình quảng bá, giới thiệu thẻ tín dụng nội địa đến đông đảo người dân. Đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa miền núi, hải đảo hay công nhân ở các khu công nghiệp, người dân yếu thế chưa có điều kiện tiếp cận cần giới thiệu cho họ hiểu các tính năng, tiện ích của thẻ tín dụng nội địa. Qua đó vừa giúp họ dễ dàng tiếp cận tín dụng giải quyết cho các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày vừa góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
“Khi phát hành thẻ tín dụng nội địa, các tổ chức phát hành thẻ cũng nên có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để người dân có thể tiếp cận được và sử dụng sản phẩm một cách có lợi nhất. Bên cạnh đó, loại thẻ này có chi phí xử lý thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế nên tổ chức phát hành thẻ hoặc tổ chức chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần có chính sách, chiến lược để mở rộng điểm chấp nhận thẻ”, một chuyên gia ngân hàng lưu ý. Về phía các TCTD, cần cải tiến quy trình mở thẻ đơn giản, nhanh chóng. Đặc biệt, đẩy mạnh việc thanh toán trên môi trường online, thương mại điện tử.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Trung tâm Thẻ Agribank cho biết, hoạt động tín dụng là một lĩnh vực phức tạp, phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn vốn. Đồng thời, khi cho vay, ngân hàng cũng phải trích lập dự phòng rủi ro và phát sinh nhiều khoản chi phí khác.
Về hồ sơ, hiện nay với những khoản vay nhỏ lẻ vẫn phải tuân thủ theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, trước khi cho vay, khách hàng phải lập phương án sản xuất kinh doanh và được ngân hàng thẩm định. Sau khi ký hợp đồng vay vốn, ngân hàng phải kiểm tra việc sử dụng vốn vay và thực hiện rất nhiều thủ tục khác.
Vì vậy, đại diện Agribank mong muốn, NHNN cần sớm nghiên cứu để ban hành những quy định riêng về đối với cho vay tiêu dùng, cho vay thấu chi, giải quyết thiếu hụt vốn tạm thời trong thanh toán, từ đó, tăng tốc phát triển thẻ tín dụng nội địa trong mảnh đất đầy tiềm năng này.
Tháng 01/2021, NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam triển khai ra mắt sản phẩm Thẻ tín dụng nội địa. Đây là dòng sản phẩm thẻ tín dụng nội địa mang thương hiệu Việt do chính các tổ chức tài chính trong nước triển khai với tiêu chuẩn, công nghệ theo thông lệ quốc tế trong lĩnh vực thanh toán. Sự ra đời của thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp với các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành như một mũi tên trúng hai đích: Vừa là phương tiện thanh toán, vừa là công cụ giải ngân tín dụng. Thẻ tín dụng nội địa được thiết kế riêng để phù hợp với thị trường Việt Nam và có ưu đãi tương tự như thẻ quốc tế. |
Quỳnh Trang