Thẻ tín dụng: Tận dụng miễn lãi 45 ngày như thế nào?

17:06 | 18/06/2019

Thẻ tín dụng với những tính năng và ưu điểm nổi trội như tiêu trước trả sau, miễn lãi dài ngày, thuận tiện trong thanh toán… đang ngày càng trở nên phổ biến và thu hút được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, việc tận dụng hết các ưu đãi của thẻ tín dụng cũng như tránh được những chi phí phát sinh không đáng có thì không phải ai cũng nắm rõ và thông thạo.

the tin dung tan dung mien lai 45 ngay nhu the nao
Ảnh: Minh họa

Miễn lãi 45 ngày: Ngân hàng được gì?

Một trong những ưu đãi nổi trội của thẻ tín dụng được các ngân hàng tập trung tư vấn và hấp dẫn khách hàng nhất là chủ thẻ được miễn lãi tối đa từ 45 đến 55 ngày (tùy ngân hàng và loại thẻ). Dưới góc độ kinh doanh thuần túy, điều này dễ dẫn đến cảm giác ngân hàng là bên chịu thiệt thòi khi cung cấp dịch vụ, vì khi khách hàng thanh toán đồng nghĩa với việc ngân hàng đã ứng trước một khoản cho vay.

Tuy nhiên, tại một cuộc tọa đàm mới đây, lãnh đạo Khối khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại cổ phần đã thẳng thắn chia sẻ, khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng thì ngân hàng sẽ thu được phí từ đối tác thẻ quốc tế. Ngoài ra, khi khách hàng trải nghiệm và hiểu được tiện ích thẻ tín dụng mang lại, ngân hàng sẽ có thêm nhiều cơ hội bán các sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, với đặc trưng là một khoản cho vay tín chấp, ngân hàng cũng sẽ có một khoản cho vay với lãi suất cao trong trường hợp khách hàng không thanh toán hết dư nợ, để quá hạn mà không thanh toán...

Như vậy có thể thấy, thông qua sản phẩm thẻ tín dụng, ngân hàng đã có cơ hội mở rộng bán chéo sản phẩm, gia tăng các nguồn thu phí. Đây cũng chính là mục tiêu của không ít ngân hàng khi đẩy mạnh nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng.

Tận dụng tối đa miễn lãi 45 ngày như thế nào?

Hiện nay, các ngân hàng thường lấy một ngày trong tháng để chốt sao kê nhằm thông báo cho khách hàng các khoản chi tiêu đã phát sinh trong tháng cũng như số tiền tối thiểu cần phải thanh toán. Để tận dụng tối đa số ngày miễn lãi thì khách hàng phải có phát sinh giao dịch ngay sau ngày chốt sao kê thẻ tín dụng. Trên thực tế, nhiều khách hàng am hiểu nguyên tắc trên có thể kiếm được lợi ích từ ưu đãi này.

Giả sử, ngày chốt sao kê của ngân hàng là mùng 5 hàng tháng, nếu khách hàng thường xuyên có các khoản thanh toán lớn, dễ dàng điều chỉnh để thanh toán sau ngày chốt thẻ thì có thể sử dụng nguồn tiền không phải thanh toán tiền mặt trực tiếp vào các mục đích khác, đến ngày thanh toán lại hoàn trả cho ngân hàng. Nếu so với lãi suất ngân hàng, một khoản thanh toán thẻ tín dụng 100 triệu đồng không phải trả ngay mà sử dụng tiền đó trong các giao dịch khác, khách hàng đã có nguồn tiền vay mà không phải chịu khoản lãi hơn 1 triệu đồng. Nhưng nếu khách hàng phát sinh giao dịch thanh toán vào ngày 16 thì thời gian miễn lãi tối đa khách hàng nhận được chỉ còn 35 ngày.

Như vậy có thể thấy, việc tận dụng được tối đa thời gian miễn lãi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm phát sinh thanh toán của chủ thẻ kể từ ngày chốt sao kê.

Ngoài ra, để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ nhiều hơn, hiện nay các ngân hàng đều có các chương trình gia tăng giá trị cộng thêm với nhiều chương trình và hình thức như tích điểm hoàn tiền, đổi đồ gia dụng, điện thoại di động, giảm giá mua sắm tại các trung tâm liên kết… Thời hạn của các chương trình này cũng cần được so sánh với thời điểm chốt sao kê để sử dụng đạt nhiều lợi ích hơn.

Các loại phí cần quan tâm

Mới đây, một khách hàng được yêu cầu phải trả khoản lãi và phí chậm trả gần 3 triệu đồng cho khoản nợ gốc quá hạn 400 nghìn đồng (giá trị chi tiêu hơn 100 triệu đồng nhưng thanh toán gần hết chỉ còn 400 nghìn đồng). Điều này đã gây ra những thắc mắc, hoài nghi về cách thức tính lãi, phí của ngân hàng. Sau khi khiếu nại đến ngân hàng, khách hàng trên cũng thừa nhận mình chủ quan, không nắm được nguyên tắc tính lãi, phí khi chậm thanh toán dư nợ gốc. Vậy, ngân hàng tính lãi thẻ tín dụng như thế nào?

Hiện nay, mỗi ngân hàng thường quy định mức lãi suất khác nhau. Tuy nhiên, mức lãi suất thẻ tín dụng của hầu hết ngân hàng dao động từ 24 - 40%/năm (đối với thẻ tín chấp). Như vậy, khi sử dụng các tiện ích và ưu đãi nổi trội của thẻ tín dụng cũng đồng nghĩa với việc khách hàng có thể phải trả các khoản chi phí cao hơn.

Để tránh phát sinh các loại phí có chi phí sử dụng cao, khách hàng cần tìm hiểu qua website, điện thoại tư vấn hay nhân viên tư vấn của ngân hàng và nắm rõ các quy định cũng như cách tính các loại phí, như: phí chậm trả, phí rút tiền mặt, phí vượt hạn mức, phí giao dịch quốc tế… Đây đều là những khoản phí có mức phí cao khi sử dụng.

Thanh Tùng

Tin đọc nhiều