Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đã phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu. |
Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đã phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu. Các công ty tài chính đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong hành vi của khách hàng, với xu hướng hạn chế rõ rệt hoạt động vay tiêu dùng.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động cao dẫn đến sự gia tăng không thể tránh khỏi trong chi phí huy động vốn. Điều này tạo ra những thách thức đáng kể trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, khiến các tổ chức phải nỗ lực thích nghi và điều chỉnh chiến lược phù hợp để vượt qua giai đoạn biến động của thị trường.
Trong những tháng đầu năm 2023, khó khăn với ngành tài chính tiêu dùng hiện rõ khi nhiều công ty tài chính có kết quả kinh doanh suy giảm. Các tổ chức tín dụng hoạt động lâu năm trên thị trường cũng không tránh khỏi những thách thức mà ngành đang đối diện.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, tình hình kinh doanh của FE CREDIT tiếp tục ghi nhận lỗ, dù trước đó theo báo cáo tài chính 2022, đơn vị tài chính đầu ngành này đã ghi nhận khoản lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.
HD Saison với bề dày 15 năm hoạt động trong ngành cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi theo công bố 6 tháng đầu năm 2023 từ HDBank, lợi nhuận trước thuế của HD Saison sụt giảm chỉ đạt 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số 6 tháng đầu năm 2022.
Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt, một tổ chức tín dụng trẻ hoạt động gần 6 năm trên thị trường cho vay tiêu dùng, cũng không thoát khỏi vòng xoáy của thị trường. Hành trình phát triển trước đó của doanh nghiệp này từng cho thấy sự hiệu quả, như năm 2022, VietCredit đạt được kết quả lãi 75,6 tỷ, tăng 52% so với năm 2021.
Trong quý 1/2023, doanh nghiệp này báo cáo lãi trước thuế đạt 54,3 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, đến quý 2/2023 bất ngờ công ty báo lỗ sau khi công bố báo cáo soát xét sau kiểm toán.
Cụ thể, báo cáo tài chính bán niên cho giai đoạn 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2023 của VietCredit công bố lần đầu ghi nhận lợi nhuận trước thuế TNDN là 17 tỷ đồng, trong đó bao gồm doanh thu ghi nhận từ một số loại phí phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng qua thẻ tín dụng.
Theo công bố mới nhất từ VietCredit, sau soát xét báo cáo tài chính bán niên, VietCredit đã điều chỉnh phân bổ doanh thu các loại phí này thay vì ghi nhận một lần tại thời điểm phát sinh như nhiều loại doanh thu phí khác, để đảm bảo tính thận trọng hơn trong việc ghi nhận doanh thu. Theo đó, kết quả hoạt động kinh doanh của VietCredit cho giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận khoản lỗ 73.6 tỷ.
Có thể thấy trong bối cảnh tổng thể của ngành, việc các công ty tài chính tiêu dùng ghi nhận khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm được xem là hệ quả tất yếu. Những khó khăn mà các công ty tài chính đang gặp phải theo đánh giá là hệ quả từ những khó khăn chung của kinh tế vĩ mô bắt đầu xuất hiện vào những tháng cuối năm 2022.
Trước tình hình trên, nhiều công ty tài chính cũng đã triển khai điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Chẳng hạn, FE Credit đã tiến hành rà soát lại các phân khúc khách hàng kém hiệu quả và tập trung vào tệp khách hàng tốt nhằm tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn. HD Saison chú trọng tập trung vào thị phần cho vay xe máy, một trong những thế mạnh của đơn vị để tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động.
Hay như VietCredit cũng đã điều chỉnh chiến lược trung và dài hạn, đầu tư và kết hợp với các đối tác có hệ sinh thái khách hàng lớn để phát triển kênh bán hàng số hóa hoàn toàn trong bối cảnh đã có những quy định, hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng được triển khai cho vay bằng phương thức điện tử.
Sự linh hoạt trong việc thích nghi và điều chỉnh chiến lược cho thấy sự sẵn sàng của các công ty tài chính tiêu dùng hướng tới tăng trưởng hình chữ V khi bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.
PV