Volkswagen Polo Cross có giá bán từ 725 triệu đồng | |
Range Rover hai cửa giá gần 300.000 USD có gì? | |
Honda Việt Nam công bố giá bán lẻ các mẫu ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan |
Giấc mơ ô tô giá rẻ tưởng như đã thành hiện thực khi thuế nhập khẩu ôtô đã được giảm về 0% từ năm 2018 đối với xe ô tô nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN, bỗng chốc tan biến khi vẫn còn nhiều lực cản.
Chính sách phát triển nền công nghiệp ô tô Việt… cho ai và vì ai?
Sau gần 30 năm phát triển, điểm lại ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước hiện có 56 doanh nghiệp tham gia sản xuất và lắp ráp, gồm 38 doanh nghiệp trong nước (như Trường Hải, TMT, Vinaxuki…) và 18 doanh nghiệp nước ngoài (với các thương hiệu nổi tiếng như Ford, Mercedes, Toyota, GM...).
Sản lượng sản xuất hàng năm của toàn ngành vào khoảng 460.000 sản phẩm, trong đó chủ yếu là xe con, xe tải và xe khách với sản lượng xe con trung bình đạt 200.000 sản phẩm mỗi năm, sản lượng xe tải và xe khách tương ứng là 215.000 sản phẩm mỗi năm...
Nói về chính sách phát triển nền công nghiệp ô tô thì có lẽ chưa có loại chính sách nào lại có nhiều thay đổi, biến động nhiều như chính sách về quản lý sản xuất và nhập khẩu ô tô tại Việt Nam. Chỉ đơn cử như những chính sách ưu đãi cho nền công nghiệp ô tô cũng là một trong những đề tài nóng của dư luận. Rồi những cam kết về tỷ lệ nội địa hoá của các nhà sản xuất lắp ráp trong nước là một sự thất hứa và trì hoãn vô điều kiện mà dường như chẳng có bất cứ một chế tài nào của các nhà quản lý và hoạch định chính sách.
Theo Báo cáo về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của Bộ Công Thương, hiện ở Việt Nam các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô đa số có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế còn khiêm tốn. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, DN trong nước chiếm khoảng 53%.
Tại báo cáo này, Bộ Công thương cũng thừa nhận ngành công nghiệp ô tô mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như: gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, một số sản phẩm nhựa. Trong số các DN, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
Mục tiêu đạt tỉ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 60% vào năm 2010 đã hoàn toàn thất bại, đến nay mới đạt bình quân khoảng 7%-10%, trong đó cao nhất là Toyota Việt Nam với riêng dòng Innova, đạt 37%.
Đánh giá về tác động của chính sách phát triển nền công nghiệp ô tô đối với tỷ lệ nội địa hoá và giá thành của ô tô. Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, một chiếc ô tô được cấu thành bởi 30.000 chi tiết khác nhau, doanh nghiệp (DN) chỉ sản xuất một số cụm chi tiết lớn, 70%-80% phải mua từ các DN ở nước ngoài nên rất tốn kém. Tại Toyota, dòng đạt tỉ lệ nội địa hóa cao nhất là Innova với 37%, tức là giá trị xe 10.000 USD thì có 3.700 USD được sản xuất ở Việt Nam. Để giảm giá thành sản xuất, phải nâng tỉ lệ nội địa hóa trong khi điều kiện để nâng tỉ lệ nội địa hóa là phải có dung lượng thị trường đủ lớn. Giá thành lắp ráp từ Việt Nam cao hơn 10%-20% so với xe sản xuất từ Indonesia và Thái Lan.
Với những gì đã và đang diễn ra tại thị trường sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước thì rõ ràng mọi chính sách ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô dường như chưa mang đến những bước đột phá như kỳ vọng của các nhà quản lý và nhất là sự thất vọng của người tiêu dùng khi giá thành bán ra của xe ô tô trong nước vẫn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Asian.
Còn đó những lực cản vô hình
Trong những tháng cuối năm 2017 vừa qua, thị trường ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước có một đợt giảm giá kỷ lục. Hiệu ứng giảm giá này do tác động của chính sách giảm thuế trong tiến trình hội nhập AFTA với lộ trình giảm giá xe nhập khẩu về 0% cho xe ô tô có nguồn gốc tại các nước ASEAN.
Cùng với động thái giảm giá tối đa để bán những mẫu ô tô cũ thì các hãng lớn lắp ráp xe trong nước có nhà máy tại Thái Lan, Indonesia như Honda, Toyota, Isuzu, Suzuki… lại có ý đồ giảm sản lượng xe sản xuất tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu từ các nước Asian để được hưởng thuế nhập khẩu bằng 0. Tại một cuộc họp các đại lý của hãng Honda còn công bố sẽ dự định thay thế hoàn toàn mẫu xe SUV Honda CRV là mẫu xe đang bán chạy nhất tại thị trường bằng xe nhập từ nhà máy Honda Thái Lan.
Nhưng có lẽ sự tính toán của các nhà lắp ráp ô tô trên lại vấp phải những vướng mắc về chính sách.
Tháng 10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô. Cụ thể, Nghị định quy định về các loại giấy tờ, chất lượng, kiểu loại xe nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài cung cấp. Không phải quốc gia nào trên thế giới cũng cung cấp loại giấy này. Đây là khó khăn lớn nhất mà các hãng phải đương đầu khi nhập khẩu ôtô.
Bên cạnh đó, khi về nước, xe nhập khẩu sẽ vướng thêm một bước kiểm định khác. Với mỗi lô xe, bao gồm những chiếc xe giống nhau, cơ quan chức năng sẽ chọn ra một chiếc để kiểm định, mặc dù chất lượng các xe trong các lô hàng được cho là đều như nhau. Theo giới nhập xe, việc kiểm định này sẽ tốn thời gian và tạo chi phí phát sinh.
Với nội dung của Nghị định 116/2017/NĐ-CP đã tạo nên một nút nghẽn cho việc nhập khẩu ô tô vào Việt Nam. Điển hình là 2 ông lớn Toyota và Honda những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018 không nhập được bất cứ xe nào về Việt Nam. Với những diễn biến như vậy, người tiêu dùng muốn mua xe chỉ có thể lựa chọn các loại xe sản xuất lắp trong nước của Trường Hải và Hyundai Thành Công hoặc có thể mua xe đã qua sử dụng.
Trao đổi với đại diện của Honda Mỹ Đình, một trong những đại lý hàng đầu của hãng Honda tại Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc bán hàng của Đại lý cho biết, hiện nay lô hàng đầu tiên của Honda đã về tới cảng sau hơn 2 tháng lo thủ tục theo quy định mới của Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Dự tính trong tháng này những chiếc xe ô tô Honda nhập nguyên chiếc từ Thái Lan, trong đó có mẫu Honda CRV 2018, 7 chỗ ngồi sẽ đến tay người mua.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết giá xe vẫn cao hơn giá xe của các nước trong khu vực từ 27-35% bởi những chi phí về thủ tục và các loại phí, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT.
Với những chính sách đang được áp với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam thì dường như đang có một cuộc chiến giữa xe ô tô nhập và xe sản xuất, lắp ráp trong nước và dường như đang có một bàn tay vô hình đâu đó điều tiết bằng các quy định, văn bản pháp quy. Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp cũng sẽ có được những điều kiện, những giấy phép những chắc chắn tất cả những chi phí vô hình đó sẽ đổ vào sản phẩm là những chiếc ô tô bán ra thị trường cuối cùng là người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra chi phí cao để mua ô tô.
Hoài Phi